.

Tổng thống Putin yêu cầu xem lại chiến lược hoạt động của Nga tại WTO

Cập nhật: 19:27, 21/04/2022 (GMT+7)

Ngày 21/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các biện pháp hạn chế "bất hợp pháp" của các nước phương Tây nhằm vào các công ty trong lĩnh vực luyện kim của Nga đã đi ngược lại những quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Moskva, Nga.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Moskva, Nga.

Theo đó, người đứng đầu nước Nga đã chỉ thị cho chính phủ nước này xem xét lại chiến lược hoạt động của Nga trong WTO.

Phát biểu tại cuộc họp về phát triển ngành luyện kim của Nga, Tổng thống Putin đã nêu ra các biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực luyện kim của Nga và cho rằng, những biện pháp đó đã đi ngược lại những quy tắc của WTO, điều mà các nước châu Âu luôn tôn trọng.

Do đó, ông chỉ thị cho chính phủ tiến hành đánh giá toàn diện về tính hợp pháp của các quyết định đó của các đối tác phương Tây, đồng thời chuẩn bị xem xét lại chiến lược hành động của Nga trong WTO. Tổng thống Putin giao nhiệm vụ này phải hoàn thành trước ngày 1/6.

Trước đó cùng ngày, phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các công ty luyện kim của Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ các quốc gia "không thân thiện", đồng thời khẳng định Moskva sẽ đưa ra kế hoạch đối phó.

Nga là nhà sản xuất lớn về kim loại như nhôm, nickel, palladium, đồng, thép và vàng. Ngành luyện kim của Nga nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung đang chịu ảnh hưởng do các gói trừng phạt của các nước phương Tây kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cũng trong ngày 21/4, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật cấm các ngân hàng Nga chia sẻ thông tin "bảo mật ngân hàng" với người nước ngoài. Đây được coi là động thái mới nhất của Nga nhằm bảo vệ lĩnh vực tài chính của nước này.

Theo đó, các tổ chức tín dụng của Nga sẽ không được phép cung cấp cho các cơ quan liên quan của nước ngoài những thông tin về khách hàng và giao dịch của họ, cũng như về người thụ hưởng. Tuy nhiên, có thể vẫn có trường hợp ngoại lệ.

Dự kiến, dự luật trên cần phải được Thượng viện Nga thông qua và Tổng thống Putin ký ban hành.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Kinh tế Nga cho biết, lạm phát năm của nước này đã lên đến mức 17,62% tính đến ngày 15/4, cao nhất kể từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó, do đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt trong bối cảnh phương Tây áp đặt trừng phạt Nga.

Giá cả hầu hết các mặt hàng, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào hôm 24/2.

Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê  Liên bang Nga (Rosstat) ngày 21/4 cho thấy, lạm phát tuần ở Nga đã chậm lại sau khi tăng mạnh trong vài tuần qua, giúp Ngân hàng Trung ương Nga có lý do để xem xét cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ban lãnh đạo ngày 29/4.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, họ có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt từ 17% tại các cuộc họp ban lãnh đạo sắp tới và sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát bằng mọi cách. Nga đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%/năm.

Rosstat cho biết, lạm phát tuần ở Nga giảm xuống 0,2% trong tuần tính đến ngày 15/4, từ mức 0,66% một tuần trước đó, đưa mức tăng giá tiêu dùng hàng năm lên 11,05%. Cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tăng 2,72%.

Tuần trước, ông Alexei Kudrin, Viện trưởng Viện Kiểm toán Nga cho biết, lạm phát tại Nga có thể ở mức từ 17%-20% trong năm nay.

Cuối tháng 3 vừa qua, các nhà phân tích đã dự báo lạm phát trung bình năm 2022 của Nga có thể lên tới 23,7%, mức cao nhất kể từ năm 1999.

TRẦN QUYÊN

.
.
.