.

EU thông qua trừng phạt mới nhằm vào ngành năng lượng, thép của Nga

Cập nhật: 19:17, 16/03/2022 (GMT+7)

Tước bỏ quy chế Tối huệ quốc (MFN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 chính thức thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine, bao gồm các lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu các sản phẩm thép từ nước này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)  Ursula von der Leyen.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực sau khi được công bố trên chuyên trang chính thức của EU vào cuối ngày 15/3.

Một nguồn tin EU cho hay các biện pháp trừng phạt mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty khai thác dầu mỏ lớn của Nga là Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, nhưng các nước thành viên EU vẫn có thể mua dầu và khí đốt từ họ.

Giới chức EU cũng sẽ ra lệnh cấm hoàn toàn các giao dịch với một số DN Nhà nước của Nga có liên quan đến khu phức hợp công nghiệp-quân sự của nước này.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết lệnh cấm nhập khẩu thép từ Nga ước tính sẽ ảnh hưởng đến lượng sản phẩm trị giá 3,3 tỷ euro (3,6 tỷ USD) của Nga.

Các công ty EU cũng sẽ không còn được phép xuất khẩu bất kỳ hàng hóa xa xỉ nào trị giá hơn 300 euro, bao gồm cả đồ trang sức sang thị trường Nga. Các nguồn tin từ EU cho biết xuất khẩu các sản phẩm ôtô có giá trên 50.000 euro sang cũng sẽ bị cấm.

Gói biện pháp mới cũng cấm các cơ quan xếp hạng tín dụng của EU đưa ra xếp hạng cho nền kinh tế và các công ty Nga. Phía EU cũng sẽ hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của những nhóm này với các thị trường tài chính châu Âu.

Bên cạnh việc cấm đầu tư và nhập khẩu, các biện pháp mới cũng đóng băng tài sản của nhiều lãnh đạo DN được cho là ủng hộ Chính phủ Nga, bao gồm cả chủ sở hữu CLB bóng đá Chelsea, tỷ phú Roman Abramovich.

Các biện pháp nêu trên được đưa ra sau 3 vòng trừng phạt trước đó của phương Tây áp đặt lên Nga, bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga, loại một số ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thông tin thanh toán quốc tế SWIFT.

EU đã đồng ý tước bỏ quy chế Tối huệ quốc của Nga tại WTO với 13 thành viên WTO khác là: Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.

Các quốc gia này đã lưu hành một bản ghi nhớ giữa các thành viên WTO vào ngày 15/3 chỉ ra rằng họ sẽ “thực hiện bất kỳ hành động nào được cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”. Các quy định của WTO quy định rằng quy chế MFN có thể được rút lại nếu các lợi ích thiết yếu về an ninh quốc gia bị đe dọa.

Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.

Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.

Ngoài ra, các bên ký bức thư gửi tới WTO cũng yêu cầu đình chỉ việc đánh giá tư cách ứng cử viên của Belarus gia nhập WTO.

ĐỨC HÙNG

.
.
.