Chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến đại dịch COVID-19 trầm trọng hơn
Ngày 15/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại chiến dịch quân sự tại Ukraine có nguy cơ khiến đại dịch COVID-19 trầm trọng hơn, đồng thời cho biết đang nỗ lực để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Người tị nạn Ukraine sơ tán tới Palanca, Moldova. |
Báo cáo tình hình dịch COVID-19 được WHO công bố cùng ngày cho thấy, từ ngày 3-9/3 ghi nhận tổng cộng 791.021 ca mắc mới và 8.012 ca tử vong tại Ukraine và các nước lân cận.
Theo WHO, số ca mắc COVID-19 trong khu vực giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, Ukraine đối mặt với nguy cơ sẽ có thêm nhiều ca tử vong và ca bệnh nặng do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp, nhất là có hơn 2 triệu người rời Ukraine chạy sang các khu vực lân cận cũng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.
Theo trang Our World In Data, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Ukraine là khoảng 34% trong khi tại nước láng giềng Moldova là khoảng 29%.
Báo cáo cho biết, để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, WHO đã mua thuốc điều trị COVID-19 đồng thời khuyến khích chiến dịch tiêm chủng và tăng cường giám sát COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
WHO cũng đề xuất hỗ trợ phòng thí nghiệm, bao gồm cả xét nghiệm COVID-19.
Dự kiến, Hungary sẽ cung cấp miễn phí vắc xin cho người tị nạn Ukraine. Bộ Y tế Romania triển khai đội ngũ y tế để xét nghiệm và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Ukraine chạy sang nước này lánh nạn.
Slovakia miễn phí điều trị cho người Ukraine mắc COVID-19 trong khi Moldova tiêm miễn phí vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Ukraine.
Trong tuyên bố chung với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), WHO nhấn mạnh các đối tác viện trợ nhân đạo và nhân viên y tế cần duy trì và tăng cường dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và bệnh bại liệt, đồng thời cung cấp thuốc điều trị cho dân thường trên khắp Ukraine cũng như những người tị nạn sang các nước láng giềng.
Tuyên bố cũng cho rằng, các dịch vụ y tế cần được bố trí một cách hệ thống tại các cửa khẩu biên giới, bao gồm cả các quy trình chăm sóc và chuyển tuyến nhanh cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Trước đó, ông Mike Ryan, Giám đốc các tình trạng khẩn cấp của WHO, cũng cảnh báo dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng tại Ukraine do xét nghiệm ít đi, chương trình tiêm vắc xin tạm dừng và tâm lý người dân lo sợ và căng thẳng vì khủng hoảng cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin vốn đã thấp.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 15/3, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho biết, nước này sẽ tặng hơn 500 máy phát điện di động cho Ukraine nhằm giúp nước này duy trì hoạt động của các dịch vụ thiết yếu. Ông Kwarteng nêu rõ: "Gửi máy phát điện xách tay tới Ukraine sẽ giúp duy trì hoạt động của các dịch vụ cơ bản". Ông cho biết, số lượng máy phát điện này đủ để cấp điện cho 20.000 tòa nhà và các nhà cung cấp thương mại của Anh sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ các máy phát điện này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, hơn 20 trẻ em bị ung thư ở Ukraine đã được vận chuyển bằng máy bay tới Anh để tiếp tục được điều trị.
Phát biểu với đài truyền hình Sky News, ông Javid cho biết các em này sang Anh có người chăm sóc đi kèm, hiện đang được điều trị do Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) đảm nhiệm.
Trước đó, ngày 13/3, Chính phủ Anh đã công bố một chương trình mới mang tên "Nhà cho người Ukraine", theo đó cho phép hàng chục ngàn người Ukraine được lưu trú tại gia đình người Anh tối đa 3 năm. Những người này sẽ được làm việc, học tập và chăm sóc sức khỏe tại Anh tối đa 3 năm dù không có quan hệ gia đình với người Anh.
Theo cơ chế nói trên, công dân Anh nhận người Ukraine lưu trú tại nhà mình sẽ nhận được 350 bảng Anh (457 USD)/tháng và phải cam kết cho lưu trú ít nhất 6 tháng.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến ngày 1/3, khoảng 677.000 người Ukraine đã sơ tán ra nước ngoài kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
NGUYỄN HẰNG