.

Việc thay thế các tài nguyên từ Nga không phải dễ dàng

Cập nhật: 16:18, 13/03/2022 (GMT+7)

Theo các chuyên gia quốc tế, các nước phương Tây phụ thuộc đáng kể vào dầu khí, quặng, kim loại, phân bón của Nga và việc thay thế các tài nguyên này không phải là dễ dàng hoặc là "không thể".

Một cơ sở khai thác dầu ở bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia của Nga.
Một cơ sở khai thác dầu ở bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia của Nga.

Nga là một trong những quốc gia giàu có nhất về nguyên liệu thô. Nga đứng vị trí thứ nhất trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thứ hai về xuất khẩu dầu mỏ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Nga đáp trả phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt tương xứng chưa từng có và ngừng xuất khẩu năng lượng thì điều này sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Nga là quốc gia khai thác và xuất khẩu hàng đầu về dầu mỏ, khí đốt, than đá, quặng sắt, kim cương, đồng, vàng, niken, nhôm, titan, crom...

Nga là nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, thứ hai về coban và bạch kim, thứ ba về vàng, niken và lưu huỳnh, thứ tư về bạc và phốt phát, và thứ năm về quặng sắt.

Theo chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov, việc ngừng xuất khẩu kim loại từ Nga có thể gây ra những vấn đề lớn trên thế giới. Ông Khazanov cho hay, việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty hàng đầu của Nga về luyện nhôm Rusal sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhôm ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), dẫn tới giá nhôm tăng cao. Việc Mỹ và châu Âu thay thế kim loại của Nga bằng sản phẩm Trung Quốc là một lựa chọn "tồi" đối với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.

Tình hình về niken, coban, bạch kim và palladium thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Các lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất niken, palladium lớn nhất thế giới Norilsk Niken sẽ "gây ra một cú sốc thực sự" vì đơn giản là không có sự thay thế xứng đáng.

Công ty sản xuất quặng sắt và niken Vale (Brazil) sẽ không thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về niken, trong khi công ty Sumitomo (Nhật Bản) sẽ không thể đáp ứng tất cả các đơn hàng đối với coban.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 13/3, Đức cho biết, nước này đặt mục tiêu gần như không nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, trong bối cảnh các nước tìm cách siết chặt trừng phạt Nga do hành động của nước này ở Ukraine.

Các số liệu thống kê của Chính phủ Đức cho thấy, hiện nước này nhập khẩu 1/3 lượng dầu và 45% lượng than từ Nga.

Trước đó, ngày 5/3, Đức đã tiến hành thêm một bước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga với việc công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết, Ngân hàng Tái thiết KfW đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất điện hàng đầu của nước này RWE và nhà điều hành mạng lưới Hà Lan Gasunie để xây dựng nhà ga ở thị trấn cảng Brunsbuettel.

Bộ trên không tiết lộ mức đầu tư để xây dựng ga nhập khẩu LNG là bao nhiêu, song ước tính cần 450 triệu euro (492 triệu USD) để xây dựng và lắp đặt một nhà ga LNG ở Brunsbuettel.

Bộ Kinh tế cho biết, nhà ga này sẽ có công suất là 8 tỷ m3 mỗi năm và sẽ được tiến hành xây dựng nhanh nhất có thể. Ngân hàng KfW sẽ nắm 50% cổ phần vì cung cấp nguồn tài chính, còn RWE sẽ có 10% cổ phần trong nhà ga này.

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho hay, mặc dù mục tiêu của Đức là tạo ra năng lượng theo cách trung hòa carbon, song khí đốt vẫn cần thiết như một nhiên liệu để quản lý quá trình chuyển đổi. Theo ông Robert Habeck, cần phải giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga càng nhanh càng tốt.

MINH TRANG 

.
.
.