EU thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia châu Phi

Thứ Năm, 17/02/2022, 16:42 [GMT+7]
In bài này
.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) dự kiến diễn ra trong ngày 17-18/2 tại Brussels (Bỉ) là cơ hội để tạo cơ sở cho sự hợp tác tăng cường giữa hai bên.

Đây được cho thời điểm quan trọng đối với EU trong nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ với các quốc gia châu Phi.
Đây được cho thời điểm quan trọng đối với EU trong nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ với các quốc gia châu Phi.

EU và AU có tham vọng củng cố và phát huy mối quan hệ xung quanh 3 mục tiêu gồm sự thịnh vượng, an ninh và giao thông. Dự kiến tại hội nghị, các quốc gia châu Âu sẽ trình bày một loạt dự án cụ thể xoay quanh những ưu tiên này.

EU đã lập các dự án với sự tham vấn chặt chẽ của các quốc gia châu Phi nhằm đáp ứng kỳ vọng của Lục địa Đen về đầu tư, cơ sở hạ tầng, y tế, giao thông, an ninh và giáo dục.

EU sẽ xác định một thỏa thuận mới về kinh tế và tài chính với châu Phi và hỗ trợ châu Phi trong các chính sách phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ tiếp tục bàn thảo về tài trợ cho các nền kinh tế châu Phi, nội dung đã được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18/5/2021 cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Italia), trong đó ưu tiên cho đào tạo và việc làm của thanh niên.

Về y tế, châu Âu đi tiên phong trong việc đề xuất cơ chế Hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) cho G20. Thông qua Cơ chế tiếp cận  vắc xin toàn cầu (COVAX), gần 450 triệu liều  vắc xin đã được cung cấp. Tổng cộng, EU đã chia sẻ 145 triệu liều  vắc xin, với mục tiêu tăng gấp 3 lần con số này vào giữa năm 2022.

EU cũng đang làm việc với các bên liên quan của châu Phi để đẩy nhanh việc triển khai các loại  vắc xin này và đã đóng góp vào việc chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất  vắc xin trên Lục địa Đen (sáng kiến MAV+). EU sẽ tiếp tục nỗ lực này về ứng phó và tăng cường hệ thống y tế của châu Phi.

Về đầu tư, căn cứ vào nhu cầu của châu Phi, châu Âu sẽ tăng đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển sản xuất lương thực.

Liên quan đến hòa bình và an ninh, mục tiêu của EU là hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi chống khủng bố và hỗ trợ các hành động của châu Phi có lợi cho sự ổn định lục địa, thông qua cả các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như xây dựng năng lực.

Về vấn đề đi lại và di cư, EU đặt mục tiêu thúc đẩy đi lại và di cư hợp pháp, chống lại di cư bất hợp pháp và tăng cường các cơ chế hồi hương.

Để thực hiện tham vọng về một mối quan hệ Âu-Phi được đổi mới, Hội nghị cấp cao sẽ được tổ chức theo 7 chuyên đề quy tụ các nguyên thủ quốc gia và chính phủ hai bên.

Các thể chế châu Âu sẽ do Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng Đại diện cấp cao về Chính sách an ninh và đối ngoại làm đại diện. Lãnh đạo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sẽ có mặt.

HƯƠNG GIANG

;
.