LOÀI NGƯỜI ĐÃ SỐNG SÓT QUA KỶ BĂNG HÀ NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ 2: Tồn tại và phát triển

Thứ Sáu, 14/01/2022, 16:20 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, để tồn tại người Homo Sapien đã có những bước phát triển vượt bậc về chế tạo công cụ và vũ khí, bao gồm cả những công cụ chính, dùng để làm ra những công cụ khác.

Dựa trên bộ xương cơ thể và hộp sọ, các nhà nhân chủng học dựng lại hình dáng của người Homo Sapien (ảnh nhỏ): Mũi lao, giáo và kim khâu làm từ xương voi ma mút của người Homo Sapien.
Dựa trên bộ xương cơ thể và hộp sọ, các nhà nhân chủng học dựng lại hình dáng của người Homo Sapien (ảnh nhỏ): Mũi lao, giáo và kim khâu làm từ xương voi ma mút của người Homo Sapien.

1. Một trong những thứ quan trọng nhất được gọi là “burin”, có công dụng như một cái đục bằng đá dùng để khoét rãnh và khía trên mảnh xương, biến nó thành mũi giáo nhọn hoặc mũi lao, đủ nhẹ để thợ săn mang theo trên quãng đường dài đồng thời cũng có thể tháo rời, hoán đổi cho nhau.

Giáo sư Brian Fagan nói: “Hãy nhìn con dao găm mà quân đội Thụy Sĩ hiện đang sử dụng, nó giống như dao của người Homo Sapien. Điều đó chứng tỏ người Homo Sapien đã biết tính toán góc nhọn và góc vát của lưỡi dao để khi đâm vào con mồi, nó không bị gãy hoặc bị vướng”.

Thế nhưng những con dao ấy chỉ có tác dụng trong những cuộc tấn công tầm gần còn với con mồi ở xa, khó có thể tiếp cận vì sẽ bị phát hiện, người Homo Sapien thông minh đến mức lột da vài còn tuần lộc chẳng hạn rồi những thợ săn mặc bộ da ấy vào người, tiến gần đến đàn tuần lộc. Khi đã đủ tầm lao, họ phóng vào con vật những mũi lao có ngạnh, được buộc chặt vào những thân cây dài, có dây quấn vào cổ tay. Như vậy, con vật dù có vùng vẫy thì mũi lao vẫn không thể tuột ra và nó cũng không thể chạy đi xa được.

Chưa hết, những tranh vẽ trong các hang động ở miền Đông nước Pháp cho thấy đến mùa Thu, thợ săn đốt lửa thành từng cụm để ngựa hoang, tuần lộc phải chạy vào một lối đi duy nhất, dẫn đến một khu trại bao quanh bằng những tảng đá xếp chồng lên nhau. Bằng cách này, họ có đủ thức ăn cho mùa Đông cũng như có thêm lương thực dự trữ lâu dài là những con thú non được sinh ra trong trại.

Tuy nhiên, một phát minh rất đơn giản nhưng lại được xem là vĩ đại ở kỷ băng hà: Đó là chiếc kim may. Sử dụng một đoạn xương mài nhỏ và nhọn - thường là xương ống vì nó cứng, người Homo Sapien đục lỗ rồi luồn vào một đoạn chỉ làm từ ruột con tuần lộc. Với chiếc kim may ấy, họ may quần áo, may túi ngủ, bọc khung giá đỡ cho trẻ em khi họ địu nó trên lưng cũng như may găng tay để giảm đau, giảm trầy xước da bàn tay khi đục đá.

Theo giáo sư Brian Fagan, loại da mà người Homo Sapien ưa chuộng nhất là da tuần lộc, cáo, thỏ rừng… vì nó mềm, dễ khâu, ít thấm nước. Những cuộc khai quật ở hang Denisovan, miền bắc nước Anh đã tìm thấy vài chiếc áo hầu như còn nguyên vẹn vì được bảo quản dưới lớp băng dày hơn 60m suốt hàng chục ngàn năm.

Phân tích những chiếc áo này, các nhà khảo cổ nhận thấy người Homo Sapien khoét một cái lỗ kích thước vừa chui lọt đầu trên một tấm da tuần lộc. Tiếp theo, họ khâu mũ dính liền với cái lỗ ấy. Giáo sư Brian Fagan nói: “Một vài cái áo chúng tôi tìm thấy không có tay, chứng tỏ nó được làm ở giai đoạn đầu tiên khi người Homo Sapien biết dùng da thú để chống rét. Một vài cái khác có tay khâu vào thân áo. Kết quả phân tích cho thấy áo không tay và áo có tay ra đời cách nhau hơn 30 năm”.

2. Để tồn tại qua kỷ băng hà, nơi mà nhiệt độ lúc nào cũng ở mức -90 độ C còn mùa Hè là -50 độ, người Homo Sapien chọn hang đá làm nơi trú ẩn. Lửa được đốt trong hang suốt ngày đêm khiến trần đá hấp thu sức nóng, giúp họ không bị chết cóng. Mùa Hè, khi phải đi săn để tích trữ thức ăn, nhiều bộ tộc khởi hành từ vùng đồng bằng châu Âu đến phần đất mà bây giờ là Na Uy, Đan Mạch. Họ mang theo lều làm bằng da thú để có chỗ trú ẩn khi gặp bão tuyết bất ngờ. Thịt săn được, họ sấy khô rồi kéo về bằng loại xe trượt tuyết đơn giản chỉ gồm 2 thanh gỗ, trên có 1 cái khung và kéo bằng sức người.

Điều kinh ngạc nhất với các nhà khảo cổ là trong quá trình xem xét cấu trúc xương của người Homo Sapien, họ phát hiện ra rằng để chống lại cái lạnh, người Homo Sapien cũng biết cách “ngủ đông” như một số loài động vật khác. Kết quả phân tích xương của người Homo Sapien và xương của gấu bắc cực cho thấy nó có những điểm tương đồng về hàm lượng chất béo trong tủy xương. Các vòng tăng trưởng trong xương đều đặn chia thành từng lớp dày và mỏng. Điều đó cho thấy vào mùa đông, người Homo Sapien có những giấc ngủ dài.

Tiến sĩ Barenta, Khoa Khảo cổ Đại học Barcelona, Tây Ban Nha nói: “Những gì chúng tôi tìm thấy trong một hang động có tên là Sima de los Huesos ở Atapuerca, miền bắc Tây Ban Nha đã chứng minh rằng sự phát triển của xương người Homo Sapien mỗi năm đều bị gián đoạn trong vài tháng”. Các xét nghiệm đồng vị phóng xạ cho thấy sự gián đoạn phần lớn không phải do thiếu thức ăn, mà do giấc ngủ. Bằng cách nào đó, người Homo Sapien đã khiến cơ thể họ giảm sự trao đổi chất đến mức thấp nhất.

Vẫn theo Tiến sĩ Barenta, khái niệm “ngủ đông” của người Homo Sapien nghe như “chuyện khoa học viễn tưởng” nhưng thực tế cho thấy hầu hết những loài động vật sống ở vùng cực đều làm điều này. Nó chứng minh rằng cơ sở di truyền và sinh lý học nhằm làm giảm sự trao đổi chất đã được truyền qua nhiều thế hệ - cả ở loài động vật có vú và con người.

Những tổn thương tìm thấy trong xương người Homo Sapien và xương động vật như gấu, cáo, ở hang động Sima de los Huesos đều có những nét tương đồng, xảy ra trong giai đoạn “ngủ đông” nhưng trong bức tranh này, vẫn còn thiếu một mảnh ghép: Đó là người Homo Sapien ngủ đông trong bao lâu? Một thử nghiệm của bác sĩ Williams Scott ở Khoa Sinh lý học, Đại học York, Anh Quốc cho thấy một người đàn ông khỏe mạnh, được cho ăn uống đầy đủ - chủ yếu là chất đạm và chất béo trong 3 tháng rồi được đưa vào một căn phòng -50 độ C với đầy đủ quần áo chống rét thì người này chỉ “ngủ đông” được 57 tiếng đồng hồ!

Thế nên không phải bất cứ người Homo Sapien nào cũng sống sót qua kỷ băng hà. Rất nhiều người đã chết đói, chết rét, chết vì bệnh tật và vì bị những loài động vật ăn thịt như gấu, chó sói, báo tuyết… tấn công nhưng những người còn sống đã tích lũy được nhiều kỹ năng để sau khi kỷ băng hà kết thúc, họ nhanh chóng phát triển thành những chủng người thông minh hơn, tháo vát hơn, mở đầu cho thời kỳ đồ sắt.

Giáo sư Brian Fagan nói: “Nếu so sánh nhân loại thời đại dịch COVID-19 với người Homo Sapien ở kỷ băng hà thì chúng ta may mắn hơn nhiều bởi chúng ta có một nền khoa học tiên tiến, cộng với sự hiểu biết về virus, về vắc xin và về các phương pháp phòng chống lây lan nên tôi tin rằng chúng ta không những chỉ tồn tại mà còn chiến thắng như đã từng chiến thắng đại dịch cúm Tây Ban Nha, HIV, Ebola, đậu mùa…”.

VŨ CAO (Theo Natural Siences)

;
.