Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang dẫn tới làn sóng dịch bệnh mới ở nhiều nước trên thế giới. Kể từ khi những ca đầu tiên nhiễm biến thể này được Nam Phi thông báo vào ngày 25/11/2021, Omicron đã trở thành mối quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch của toàn cầu.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Vacsava (Ba Lan). |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ lây lan dịch do biến thể Omicron là “rất cao”, song cũng cho rằng những dữ liệu ban đầu dường như cho thấy biến thể này không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như biến thể Delta.
Cơ quan an ninh y tế Anh (HSA) mới đây công bố một nghiên cứu phân tích 528.176 ca nhiễm biến thể Omicron và 573.012 ca nhiễm biến thể Delta. Kết quả cho thấy nguy cơ ca nhiễm Omicron phải đưa vào chăm sóc cấp cứu hoặc nhập viện bằng một nửa so với nhiễm Delta, nếu chỉ tính riêng nguy cơ nhập viện thì bằng 1/3.
Bên cạnh đó, số ca cần đến giường trợ thở cũng không tăng lên như giai đoạn đỉnh của các làn sóng dịch trước. Tác dụng của vaccine là khá rõ ràng.
HSA nhấn mạnh: “Trong phân tích, nguy cơ nhập viện thấp hơn đối với các ca nhiễm Omicron có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sau khi tiêm chủng 2 và 3 mũi vaccine, với tỷ lệ giảm 81% nguy cơ nhập viện sau 3 mũi tiêm so với các ca nhiễm Omicron chưa tiêm chủng”.
Tại Mỹ, Omicron lây lan nhanh chóng đồng thời có một tỷ lệ tăng mạnh số ca trẻ em phải nhập viện điều trị. Trong khi tình trạng này khiến các chuyên gia lo ngại, mức độ nặng do biến thể này gây ra dường như không đáng báo động.
Theo các dữ liệu chính thức, trong tuần lễ kết thúc ngày 28/12/2021, nhóm tuổi từ 0-17 chứng kiến mức tăng 66% số ca phải nhập viện. Mức tăng này cao hơn con số ở đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Mặc dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các ca nhiễm Omicron ở trẻ em có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Tại Nam Phi, các nghiên cứu từ khi phát hiện Omicron cũng cho thấy nguy cơ bệnh trở nặng hay phải nhập viện do nhiễm biến thể này là thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Trong khi đó, tại Delhi (Ấn Độ), dữ liệu từ ngày đầu của năm 2022 so với từ tháng 3/2021 cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm khá nhiều. Khi số ca nhiễm hàng ngày hồi tháng 3/2021 vào khoảng 6.000 ca thì số bệnh nhân phải sử dụng giường trợ thở là 1.150 ca.
Ngày 1/1 vừa qua, ở Delhi chỉ có 82 ca phải sử dụng giường trợ thở. Số ca phải sử dụng máy thở cũng giảm từ 145 ca hồi tháng 3/2021 xuống 5 ca trong ngày đầu Năm mới.
Theo TTXVN