Số ca nhiễm không còn là "thước đo" chính đánh giá về đại dịch COVID-19
Trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News, ngày 26/12, Chủ nhiệm khoa Y tế cộng đồng của trường Đại học Brown, ông Ashish K. Jha cho biết biến thể Omicron có nhiều đột biến và “kháng thể của chúng ta ít hiệu quả với biến thể này”. Theo ông, khi tải lượng virus nhiều đến một mức nào đó, chúng sẽ phá vỡ bức tường bảo vệ đầu tiên của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của người đã tiêm phòng có một “bức tường thứ hai” giúp ngăn bệnh trở nặng. Ông nhấn mạnh rằng hầu hết người nhiễm sau tiêm đều có triệu chứng nhẹ.
Tổng biên tập ABC News, ông Jonathan Karl cho biết từ đầu đại dịch, số ca nhiễm tại Mỹ là “chỉ số hàng đầu cho thấy điều tồi tệ đang diễn ra như thế nào, và chúng ta đã ứng phó hiệu quả thế nào với đại dịch”. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi “phải chăng đã đến lúc chỉ số này không thực sự cho thấy hết vấn đề? Nếu các ca nhiễm mới trong số những người đã tiêm phòng không mắc bệnh nặng, liệu đây có còn là chỉ dẫn mà chúng ta cần chú ý đến nữa hay không?”.
Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia Jha cho biết khẳng định “điều quan trọng nhất là đại dịch vào thời điểm hiện tại đã có sự thay đổi”. Theo ông, trong 2 năm vừa qua, số ca nhiễm thường liên quan đến số liệu về ca nhập viện và tử vong, và điều này đúng cả trong làn sóng do biến thể Delta gây ra, khi đa phần người nhiễm chưa tiêm phòng. Nhưng biến thể Omicron đã thay đổi điều này.
Tiến sĩ Jha khẳng định: “Đây là sự thay đổi mà chúng ta chờ đợi: chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, khi những người đã tiêm đủ mũi cơ bản và tiêm mũi tăng cường, vẫn có thể nhiễm nhưng bệnh sẽ chỉ nhẹ trong vài ngày và qua đi”. Chính vì vậy, ông cho rằng số liệu về ca nhiễm mới không nên được coi là chỉ số chính cho thấy diễn biến của dịch, mà thực sự cần tập trung vào số ca nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần theo dõi số ca nhiễm ở người chưa tiêm phòng vì nhóm người này sẽ có thể phải nhập viện tương đương với tỷ lệ nhiễm.
BÍCH LIÊN