.

Người tuyết có thật không?

Cập nhật: 13:51, 24/12/2021 (GMT+7)

Cả trăm năm qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng thỉnh thoảng lại rộ lên những thông tin về việc nhìn thấy “người tuyết”. Hầu hết đều mô tả “đó là một sinh vật cao từ 2,5m đến 3m, đi bằng hai chân, thân hình bao phủ bởi lớp lông dày màu nâu hoặc xám…” nhưng hầu như chưa ai thu thập được chứng cứ cụ thể để khẳng định người tuyết là có thật.

Một bức ảnh “người tuyết” nhưng bị phát hiện Photoshop. (Ảnh nhỏ) Dấu chân được cho là của “người tuyết” do Shipton chụp.
Một bức ảnh “người tuyết” nhưng bị phát hiện Photoshop. (Ảnh nhỏ) Dấu chân được cho là của “người tuyết” do Shipton chụp.

Tất cả những địa điểm được cho là đã nhìn thấy người tuyết đều là những vùng hoang vu không dân cư sinh sống, chẳng hạn như ở phía bắc bang Oregon, Mỹ, dãy núi Ural, Nga, vùng Himalaya, Nepal…, quanh năm tuyết phủ, nhiệt độ luôn dao động trong khoảng từ -20C đến 600C. Thập niên 1990, một số người còn trưng ra những bức ảnh chụp “người tuyết” để khẳng định sinh vật này có thật nhưng qua phân tích, nó là ảnh của loài tinh tinh đã cố tình làm mờ đi hoặc tệ hơn, ảnh xử lý bằng phần mềm Photoshop!

Trong số hàng trăm câu chuyện về “người tuyết”, chỉ có 3 sự kiện được giới khoa học quan tâm. Đó là tháng 1/1947, cô Mary Flower sau khi thả đàn bò 12 con để chúng ăn cỏ trên sườn núi phía bắc bang Oregon, cô ngồi dưới một tảng đá để tránh gió thì bất ngờ nghe tiếng bò rống thảm thiết. Kể lại với tờ Oregon Daily, Mary nói khi đứng lên xem có chuyện gì, cô thấy một sinh vật to lớn đi trên 2 chân, thân hình đầy lông màu nâu, chạy nhanh vào rừng. Cảnh sát xác nhận có 2 con bò chết, bụng bị xé toạc, mất hết nội tạng, xương sọ vỡ nát, chứng tỏ kẻ giết nó có sức mạnh kinh khủng nhưng họ không thể kết luận thủ phạm là con vật gì vì vùng này không có hổ hay báo, chỉ có mèo rừng và chó sói nhưng mèo rừng không đủ sức tấn công bò, còn sói thường đi săn từng đàn nên cả đàn sói không thể chỉ ăn có mỗi nội tạng.

Sự kiện thứ 2: Đêm ngày 2/2/1959, 9 nhà leo núi người Nga chết một cách bí ẩn ở phía bắc núi Ural, Nga. Chẳng ai biết họ đã nhìn thấy gì mà cả 9 người phải xé rách lều để chạy trốn trong cái lạnh -300C. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy 6 người chết do hạ thân nhiệt, 3 chết vì bị chấn thương bởi tác động mạnh từ bên ngoài, trong đó 1 người vỡ xương sọ, 2 người nứt xương ngực. Thủ phạm được quy cho “người tuyết” nhưng vì cả 9 người đã chết nên chẳng có lời khai cụ thể để chứng minh.

Sự kiện thứ 3 và cũng là sự kiện gây chấn động nhất: Trước đó 8 năm - ngày 21/6/1951, Eric Shipton, nhà thám hiểm người Anh trong lúc đang tìm kiếm một con đường mới để lên đỉnh Everest từ sườn phía tây đã tình cờ thấy một dấu chân rất lạ trên sông băng Menlung, nằm giữa biên giới Nepal, Tây Tạng. Sau khi chụp rồi in ra bức ảnh về dấu chân này, những người Sherpa bản xứ đã khẳng định đó là chân của Yeti, tiếng Nepal nghĩa là “người hoang dã”. Theo họ, Yeti sống ở những vùng băng tuyết vĩnh cửu trên dãy Himalaya, cao khoảng 3m, người phủ đầy lông xám, đi bằng 2 chân như con người. Thức ăn của Yeti là đào bới những loại cây củ mọc vào mùa hè rồi bị tuyết phủ trong mùa đông. Ngoài ra Yetin còn bắt cá dưới những sông băng và thậm chí săn cả loài báo tuyết hung hãn. Đôi khi Yeti còn tấn công bò, dê, cừu của dân bản xứ.

Chỉ một thời gian ngắn, bức ảnh đã gây xôn xao trong giới khoa học bởi lẽ đó là lần đầu tiên, chứng cứ về “người tuyết” được ghi nhận cụ thể. Không ai nghi ngờ Shipton vì ông là một trong những nhà thám hiểm được kính trọng nhất. Hơn nữa, khi quan sát dưới kính hiển vi và thiết bị phân tích ảnh, mượn của Không quân Mỹ, những nhà khoa học khẳng định tấm phim của Shipton hoàn toàn không có dấu hiệu sửa chữa.

Bức ảnh cho thấy một bàn chân rất lớn, có 5 ngón y như chân người nhưng các ngón hơi quắp lại. So sánh với cái cuốc chim mà Shipton đặt cạnh dấu chân khi chụp ảnh, các nhà khoa học tính toán chiều dài của cả bàn chân là 0,33m. Tiếp theo, bằng kỹ thuật dựng hình, họ ước lượng con vật cao khoảng 3 đến 3,2m.

Nhà sinh vật học Williams Osborn thuộc Đại học York, Anh quốc nói: “Chỉ tiếc là Shipton không lấy luôn mảnh băng có dấu chân vì dù nó tan thành nước, vẫn có thể có những tế bào ở lòng bàn chân con vật rồi qua xét nghiệm ADN, chúng tôi có thể biết đó có phải là loài đười ươi hoặc tinh tinh vùng cực hay không, hay là một loài nào khác mà nhân loại chưa biết đến”.

Vẫn theo Willams Osborn, hình ảnh cho thấy phần gót chân hằn xuống mặt băng rất rõ, chứng tỏ đây là đặc điểm của loài sinh vật đi bằng 2 chân như người trong lúc với loài tinh tinh hoặc gấu, do chúng hay leo trèo nên lực bám của những ngón chân rất khỏe. Vì thế khi đi trên đất mềm hay băng tuyết, dấu ngọn chân thường in đậm hơn. Giải thích tại sao ngón chân của “người tuyết” quắp lại, ông Willams Osborn nói: “Bạn nên nhớ rằng bề mặt băng tuyết rất trơn trợt. Việc quắp các đầu ngón chân là phản xạ tự nhiên nhằm làm tăng ma sát, giảm bớt nguy cơ té ngã”.

Về phía Shipton, ông cho biết ông chỉ là nhà thám hiểm chứ không phải là nhà  động vật học nên khi thấy dấu chân lạ, ông chụp vì tò mò. Shipton nói: “Nhiều người đặt câu hỏi tại sao chỉ có 1 dấu chân trong lúc nếu là “người tuyết” thì phải có nhiều dấu khác nữa. Tôi trả lời rằng thời điểm đó sông băng Menlung đang tan và chỗ có dấu chân là chỗ còn khô ráo nhất trong khi xung quanh đều ngập nước. Do vậy nếu có những dấu chân khác thì chúng cũng tan theo băng, rất khó để thấy được”.

Sau khi bức ảnh của Shipton công bố, hàng chục nhóm thám hiểm được thành lập, trong đó có nhóm lên đến 500 người, tìm kiếm khắp sườn phía tây của núi Everest suốt 6 tháng nhưng không thu được kết quả gì. Ngày cả Edmund Hillary, người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên đỉnh Everest cũng tham gia cuộc săn lùng này. Bằng cách dựng một căn nhà ở độ cao 6,5km, Hillary nói: “Chúng ta không chỉ tìm Yeti mà chúng ta còn nghiên cứu cách con người sống ở độ cao lớn mà không cần đến bình oxy hỗ trợ. Nếu chúng ta sống được thì chắc chắn Yeti cũng sống được”.

Từ đó đến nay, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã thế giới vẫn nhận được rất nhiều những báo cáo về việc nhìn thấy “người tuyết” cùng với hình ảnh và chứng cứ kèm theo như lông, răng, xương… nhưng qua xét nghiệm, tất cả đều có nguồn gốc từ loài linh trưởng. Chỉ duy nhất một lần họ nhận được 2 móng vuốt của một sinh vật nhìn giống loài gấu mà người gửi cho biết họ tìm thấy ở thung lũng Barun trong dãy Himalaya. Tiến hành xét nghiệm ADN, các nhà khoa học thấy nó không trùng hợp với bất kỳ loài động vật nào mà họ đã biết, khiến cơn sốt “người tuyết” lại tiếp tục bùng lên.

Chỉ đến khi tiến sĩ Ferguson so sánh ADN của 2 móng vuốt với ADN của loài gấu Bắc cực, ông nhận ra một đột biến nên ông kết luận móng vuốt được cho là của “người tuyết” thì thật ra là móng gấu trong quá trình tiến hóa mà thôi. Và như vậy, câu hỏi “Người tuyết có thật không” hiện vẫn còn là bí ẩn.

VŨ CAO (Theo National Geographic)

.
.
.