Thế giới có hơn 250 triệu ca bệnh nhân COVID-19 bình phục
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 26/12, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 279,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có hơn 5,4 triệu ca tử vong. Số ca bình phục là hơn 250 triệu ca. Hiện còn hơn 24,3 triệu người đang điều trị, trong đó 88.583 ca nguy kịch.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bologna (Italia). |
Tại Pháp, số ca nhiễm mới đã lên mức 6 chữ số trong ngày 25/12 sau khi các quan chức y tế nước này xác nhận 104.611 ca mắc mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Pháp tăng lên mức cao kỷ lục.
Số liệu mới nhất được công bố trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có cuộc họp với các quan chức chủ chốt trong chính phủ vào ngày 27/12 tới để thảo luận các biện pháp mới phòng chống dịch.
Bộ Y tế Israel ngày 25/12 thông báo, nước này đã phát hiện thêm 591 ca nhiễm biến thể Omicron, đưa tổng số ca nhiễm biến thể mới tại nước này lên 1.118 ca, trong đó 723 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Israel cũng cho biết có 861 ca khác thuộc diện “nghi ngờ cao” đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức.
Cùng ngày, các chuyên gia Đại học Hebrew của Israel cảnh báo với tốc độ tiêm chủng hiện nay, đến cuối tháng 1/2022, trẻ em sẽ chiếm 4% tổng số ca COVID-19 nặng tại Israel.
Trong khi đó, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Cơ quan Hải quan Iran thông báo quyết định đóng cửa biên giới đường bộ với các nước láng giềng, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Afghanistan, Azerbaijan, Pakistan và Armenia, trong 15 ngày, kể từ ngày 25/12. Iran ngày 25/12 ghi nhận 1.121 ca nhiễm mới và 42 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong từ đầu đại dịch đến nay lên lần lượt là 6.182.905 ca và 131.348 người. Tính đến ngày 25/12, có tổng số 59.464.524 người tại Iran đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 51.096.388 người đã tiêm 2 mũi và 5.478.443 đã tiêm mũi thứ 3.
Chính phủ Algeria vừa công bố gia hạn một số biện pháp phòng dịch trong vòng 10 ngày kể từ ngày 26/12, đồng thời yêu cầu áp dụng thẻ y tế (giấy thông hành y tế hay thẻ tiêm chủng) trong việc xuất và nhập cảnh vào quốc gia này. Thủ tướng Aïmene Benabderrahmane nhấn mạnh rằng, thẻ tiêm chủng hiện là bắt buộc khi muốn xuất hoặc nhập cảnh Algeria và tiếp cận một số địa điểm công cộng hay nơi tập trung đông người như các sự kiện lễ hội, văn hóa và thể thao...
Theo Thủ tướng Benabderrahmane, tình hình dịch bệnh ở Algeria trong những ngày gần đây bắt đầu có xu hướng ngày càng tăng về số ca mắc COVID-19 mới, nhất là sự xuất hiện biến thể Omicron. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến hệ thống y tế, bệnh viện trong thời gian sắp tới. Tình hình này yêu cầu tất cả mọi người dân phải tiếp tục tôn trọng các quy định phòng, chống dịch bệnh, trong đó bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang, áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, đặc biệt là đẩy nhanh việc tiêm chủng toàn dân.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Algeria, tính đến ngày 25/12, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 216.376 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 6.229 ca tử vong.
Nhằm bảo vệ các nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch, từ ngày 10/1 tới, Ấn Độ sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng này. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên ở khắp Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, những người từ 15-18 tuổi cũng sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin từ ngày 3/1/2022 và những người trên 60 tuổi mắc các bệnh nền sẽ được tiêm mũi tăng cường sau khi có khuyến nghị của bác sĩ.
Ấn Độ đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, với 415 ca trên 17 bang của Ấn Độ. Đến nay, Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho 88% trong số 944 triệu dân đủ điều kiện, trong đó 61% đã tiêm 2 mũi.
TRẦN QUYÊN