Ngày 3/12, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hằng tháng thêm 400.000 thùng/ngày.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. |
Động thái này diễn ra giữa bối cảnh giá dầu biến động mạnh, Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu và thị trường gia tăng lo ngại về biến thể mới Omicron.
Sau thông báo trên, tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 1,21 USD (1,7%) xuống 67,66 USD/thùng trong khi giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,24 USD (1,8%) xuống 64,33 USD/thùng.
Giá dầu toàn cầu đã mất hơn 10 USD/thùng kể từ khi tin tức về biến thể Omicron lần đầu tiên gây sốc cho các nhà đầu tư.
Giá dầu đang trong xu hướng giảm, sau khi vọt lên 86 USD/thùng, mức cao nhất trong ba năm vào tháng 10.
Trong tháng 11/2021, giá dầu đã ghi nhận mức giảm hằng tháng lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khi biến thể Omicron đào sâu mối lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.
OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
OPEC+ dự báo thị trường dầu sẽ thặng dư 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, cao hơn với dự báo thặng dư 2,3 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó.
Ngày 3/12, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ với các nước OPEC+ trong những tuần gần đây và đánh giá cao quyết định tăng sản lượng dầu thô vừa đạt được.
Bà Psaki nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với các đối tác của chúng tôi - Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất khách thuộc OPEC+, để giúp giải quyết áp lực về giá. Chúng tôi hoan nghênh quyết định hôm nay tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày. Cùng với việc chúng tôi phối hợp xuất kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
TRÀ MY