Australia vừa tung ra chính sách thị thực nông nghiệp thu hút lao động nước ngoài đến làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách trên nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động tay chân khá trầm trọng tại quốc gia này.
Australia thu hút lao động nước ngoài cho công việc thu hoạch nông sản. |
Thành quả nông nghiệp hiện đại
Australia đất rộng người thưa. Đất đai có thể canh tác chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa. Tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên do ít mưa, thiếu nguồn nước. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp khởi đầu ở quốc gia này không phải là thế mạnh.
Để “đi tắt đón đầu” và hóa giải các khiếm khuyết của mình, cách đây 20 năm, Australia đã thực hiện chương trình “Xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến” và hướng đến xuất khẩu với mục đích nâng cao thu nhập của nông dân, sản xuất sạch để đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Chương trình này bao quát nhiều nội dung: Hỗ trợ nông dân về giáo dục, đào tạo và nâng cao kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ nông dân thay đổi ngành nghề phù hợp phương thức tiêu dùng an toàn; tư vấn nông dân quản lý tài chính, nâng cao năng lực phát triển kỹ năng; cung cấp thông tin giúp nông dân nắm vững thị trường trong và ngoài nước trong tiến trình sản xuất.
Australia đã thành lập 11 trung tâm nghiên cứu trên cả nước nhằm chọn lọc giống và công nghệ, ứng dụng thực tế để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia và chuyển giao kiến thức, công nghệ cho nông dân. Các chương trình này liên tục được cập nhật phù hợp với yêu cầu mới của thị trường và chuỗi cung ứng. Điểm đặc biệt là mỗi trung tâm nghiên cứu căn cứ vào từng vùng sinh thái đề ra giải pháp phát triển, hướng sản xuất vào các sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, vùng Tây Bắc Australia khí hậu khô, nóng cần chú trọng phát triển ngành bông vải và cải dầu; miền Bắc duyên hải khí hậu khô nhưng mát mẻ chuyên về sản xuất bò thịt; miền Trung duyên hải có khí hậu ôn hòa hơn nên phát triển nghề làm vườn, nhà kính trồng rau quả; vùng Tây Nam khí hậu khô nóng, nhiều ánh sáng chuyên về lúa gạo, trồng trọt.
Song song đó, các quy trình sản xuất tốt nhất trên thế giới theo hướng nông nghiệp hữu cơ được du nhập và ứng dụng rộng rãi, như sản xuất rau quả tươi sạch (fresh care), thịt sạch (cattle care), ngũ cốc sạch (grain care)... Nhờ đó, ngày nay Australia đã xây dựng được nhiều thương hiệu cạnh tranh toàn cầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên bình diện quốc tế. Các sản phẩm nông nghiệp chính của Australia không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu rộng khắp thế giới, như lúa mì, lúa mạch, hoa quả, gia súc, cừu, gia cầm, nho và rượu vang.
Ngành nông nghiệp Australia không những có giá trị kinh tế lớn mà còn giữ vai trò xã hội đặc biệt quan trọng. Thu nhập của mỗi nông dân Australia đạt 100 ngàn USD/năm, cao hơn so với GDP bình quân đầu người nước này (60 ngàn USD/năm).
Hút người nước ngoài đến làm nông
Nền nông nghiệp Australia được tổ chức dưới hình thức nông trại với khoảng 130 ngàn nông trang trên diện tích canh tác 354 triệu ha. Nông dân là chủ thể của nông nghiệp, được thể hiện bằng việc hộ nông dân được cấp giấy phép sở hữu diện tích đất lớn, không phải thuê lại đất nhà nước. Nông dân chủ động từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch. Đặc biệt là khâu quản lý sau thu hoạch và kiểm tra chất lượng sản phẩm đều do chuyên gia các ngành nghề đảm nhiệm, nhưng họ phối hợp khá tốt nhằm phục vụ nông dân, tăng hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
Nông dân Australia sản xuất theo chuỗi giá trị và phân phối theo chỗi cung ứng. Quy trình sản xuất tốt GAP được thực hiện nghiêm chỉnh trong từng công đoạn sản xuất đối với từng loại cây/con để nông dân luôn đảm bảo an toàn vệ sinh, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng của nhà cung ứng và người tiêu thụ trong và ngoài nước. Các mặt hàng này đều đóng gói bao bì cẩn thận với nhãn hiệu “Made in Australia” trên sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Nông dân Australia cũng áp dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tại các cánh đồng rộng ngút tầm mắt, người ta thường bắt gặp những chiếc máy cày, máy cắt không người lái đang vận hành. Nông dân ngồi nhà sử dụng hệ thống vệ tinh để định vị khâu làm đất, thời gian thu hoạch, sản lượng một cách chính xác.
Song với những công việc thủ công cần lao động tay chân tham gia như thu hoạch hoa màu, trái cây, lái xe vận chuyển nông sản… Australia lại luôn thiếu hụt vì hầu hết người dân bản địa tránh công việc đồng áng do có những cơ hội việc làm tốt hơn ở các thành phố.
Mới đây, Australia đã tung ra chương trình thị thực nông nghiệp nhằm thu hút lao động nước ngoài và xem đây là giải pháp dài hạn bổ sung nguồn lao động nông nghiệp cho đất nước này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Australia - David Littleproud cho biết, Chính phủ sẽ nhắm đến các quốc gia vốn có thỏa thuận song phương lâu dài với Australia như Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Hàn Quốc. Các nước thành viên ASEAN cũng có thể nằm trong danh sách.
Thị thực Nông nghiệp mới sẽ tạo điều kiện để người lao động làm việc ở Australia trong 3 năm, với yêu cầu bắt buộc họ phải trở về nước 3 tháng mỗi năm. Người lao động nước ngoài nếu đồng ý làm việc trong ngành nông nghiệp tối thiểu 3 năm có thể đăng ký Thường trú nhân ở Australia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thị thực mới này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột tại các trang trại ở Australia như trả lương thấp, phí ăn ở đắt đỏ và các công ty tuyển dụng thiếu đạo đức. Liên đoàn Lao động Australia cảnh báo rằng thị thực sẽ “làm trầm trọng thêm tình trạng lạm dụng và bóc lột vốn đã tràn lan” trong lĩnh vực này.
Để giải quyết tình trạng trên, Hiệp hội Nông dân Australia ủng hộ việc thành lập một cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm về cuộc sống của người lao động nhập cư. Chính phủ Australia cũng cho biết thị thực mới được thiết kế dựa trên đàm phán với các quốc gia đối tác, do vậy Chính phủ sẽ đóng vai trò đảm bảo hiệu quả bảo vệ người lao động.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)