Phát hiện vết thương nhiễm trùng chỉ bằng miếng băng dán

Thứ Sáu, 06/08/2021, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Từ trước đến nay, các vết thương nhiễm trùng thường chỉ được phát hiện khi nó đã có những dấu hiệu: Sưng, nóng, đỏ, đau, tiết dịch, mủ…, nhưng hiện tại, Đại học khoa học Bath, Anh quốc đã phát minh một loại băng mà khi dán vào vết thương, nó sẽ ngay lập tức đưa ra cảnh báo nếu vết thương ấy nhiễm trùng…

Băng sẽ phát sáng (ảnh nhỏ, bên trái) nếu vết thương có vi khuẩn, (ảnh lớn) Giáo sư Toby Jenkins cùng cộng sự kiểm tra mẫu băng dán phát hiện nhiễm trùng.
Băng sẽ phát sáng (ảnh nhỏ, bên trái) nếu vết thương có vi khuẩn, (ảnh lớn) Giáo sư Toby Jenkins cùng cộng sự kiểm tra mẫu băng dán phát hiện nhiễm trùng.

Vừa qua, các nhà khoa học thuộc Đại học Bath, Anh quốc đã công bố một phát minh có thể rút ngắn thời gian phát hiện vết thương bị nhiễm trùng từ một vài ngày xuống còn vài phút.

Phát minh nêu trên là một loại băng dán sử dụng trí tuệ nhân tạo, chứa chất thuốc nhuộm huỳnh quang dưới dạng những hạt nhỏ li ti (nanocapsules). Khi dán vào vết thương và nếu vết thương đã bị nhiễm trùng nhưng chưa có biểu hiện rõ rệt thì các bác sĩ bằng mắt thường vẫn có thể nhìn thấy các phản ứng hóa học do vi khuẩn tạo ra. Phản ứng này được thực hiện bởi một loại thuốc nhuộm huỳnh quang trên miếng băng, phát ra ánh sáng màu vàng chanh. Điều đặc biệt là do sử dụng trí tuệ nhân tạo, nó hoàn toàn không nhầm lẫn với những loại vi khuẩn thường có ở trên da, tránh được trường hợp “báo động giả”.

Loại băng dán vừa nói đã được thử nghiệm với 1.263 bệnh nhân tại các Bệnh viện (BV) Southmead Bristol, BV Nhi khoa Hoàng gia Bristol, BV Westminster, BV Nữ hoàng Victoria và BV East Grinstead. Bằng cách vừa dán băng, vừa lấy mẫu bệnh phẩm ở vết thương rồi cấy vi khuẩn để đối chứng, kết quả là 100% các vết thương bị nhiễm trùng - dù mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu - đều được loại băng này phát hiện trước khi bệnh nhân có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau, tiết dịch, mủ… Bác sĩ George Osborn, Trưởng Khoa nhiễm BV Westminster cho biết: “Người đầu tiên được chúng tôi sử dụng miếng dán là ông John Klee, 54 tuổi, bị một vết đứt trên cẳng tay khi ông ấy tự thay lốp xe. Lúc vào viện, vết đứt chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nạn nhân bị nhiễm trùng nhưng khi dán miếng băng nanocapsules rồi sau 5 phút, chúng tôi gỡ ra thì thấy trên miếng băng có màu vàng chanh. Tiến hành làm xét nghiệm đối chứng, kết quả là ông Klee dương tính với 

tạp khuẩn…”.

Thông thường, các vết thương hở hoặc những vết trầy xước trên cơ thể đều có thể nhiễm nhiều loại vi khuẩn khác nhau như vi khuẩn ái khí, vi khuẩn kị khí, xoắn khuẩn, tạp khuẩn…, dẫn đến những hậu quả như viêm tấy, viêm lan tế bào, nhiễm trùng máu, uốn ván, hoại thư sinh hơi… Việc chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu, xét nghiệm mủ và các chất dịch bằng phương pháp soi tươi, nhuộm gram hoặc nuôi cấy vi khuẩn, cấy máu..., sẽ mất khá nhiều thời gian trong lúc nếu dán loại băng này lên vết thương và nếu nó “phát sáng” thì các bác sĩ chỉ cần lấy mẫu bệnh phẩm để xác định vi khuẩn là chủng loại gì rồi tiến hành điều trị.

Theo Giáo sư Toby Jenkins, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu thì: “Chúng tôi hoàn toàn tin rằng loại băng của chúng tôi có đủ khả năng chẩn đoán sớm, giúp điều trị cho người bệnh nhanh hơn, ít tốn tiền hơn vì giảm được việc sử dụng các loại kháng sinh theo kiểu bao vây, phòng ngừa”. Tiến sĩ Amber Young, BV Nhi khoa Hoàng gia Bristol cùng các bác sĩ ngoại khoa của BV này nói tiếp: “Nếu như trước đây, phải mất 24 tiếng đến 48 tiếng để có thể khẳng định vết mổ nội soi ruột thừa trên cơ thể bệnh nhân có bị nhiễm trùng hay không thì nay chỉ mất chưa đầy 5 phút. Bên cạnh đó, loại băng này lại rất thân thiện với da - nhất là da của trẻ sơ sinh. Khi dùng xong và khi bóc ra, nó hầu như chẳng để lại một dấu vết gì vì nó được làm bằng một loại khoáng chất gọi là chitosan, có trong vỏ tôm, cua và một số loài giáp xác”.

Vẫn theo Giáo sư Toby Jenkins, nghiên cứu nêu trên sẽ dẫn đến những nghiên cứu khác: “Nếu miếng băng nanocapsules cho biết vết thương đã bị nhiễm trùng thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để làm ra một loại băng dán khác rồi khi dán vào vết thương, nó sẽ cho biết loại vi khuẩn gây nhiễm trùng là loại gì. Sau đó cũng vẫn bằng miếng dán chứa kháng sinh tương ứng, bệnh nhân được điều trị mà không cần phải uống hoặc tiêm thuốc như vẫn thường thấy trong các bệnh viện”.

Hiện tại, loại băng nanocapsules thời hạn sử dụng 2 năm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Y tế Anh quốc cấp bằng sáng chế và đã được dùng trong các bệnh viện trên toàn Vương quốc Anh đồng thời bán tự do trên thị trường. Bên cạnh đó, quân đội Anh cũng đã đặt mua với số lượng lớn để kịp thời cứu chữa cho thương binh trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc chiến tranh. Bác sĩ Tsombe, giám đốc BV Trung tâm thành phố Captown, Nam Phi cho biết: “Chúng tôi là BV đầu tiên ngoài nước Anh đưa loại băng này vào danh mục vật tư kỹ thuật chẩn đoán và nó đã chứng minh tính hiệu quà. Sắp tới, những trạm y tế ở các khu vực hẻo lánh sẽ được trang bị băng nanocapsules để các bác sĩ có thể kéo giảm con số từ vong do vết thương nhiễm trùng…”.

VŨ CAO

(Theo The Health)

 
;
.