Hiện tại Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 nội trú. Loại thuốc này cần được sử dụng trong vòng 7 ngày kể từ khi bệnh nhân phát triển các triệu chứng. Tuy nhiên, do số lượng các ca mắc mới tăng nhanh trên toàn quốc, nên chính phủ sẽ cho phép các bệnh nhân tự cách ly tại nhà dùng loại thuốc này, nhằm giúp hệ thống y tế đang trong tình trạng căng thẳng không bị quá tải.
Ronapreve là một hỗn hợp các kháng thể nhân tạo casirivimab và imdevimab được bào chế bởi hãng dược phẩm Regeneron (Mỹ). Khi cấp phép sử dụng khẩn cấp loại dược phẩm này vào tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã đề nghị sử dụng Ronapreve cho các bệnh nhân ngoại trú. Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nước ngoài đối với các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như những người bị béo phì, tiểu đường hay huyết áp cao cho thấy loại thuốc này làm giảm 70,4% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong và giảm thời gian phát tác các triệu chứng.
Tuy nhiên, ngày 19/7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) mới cấp phép sử dụng khẩn cấp Ronapreve cho các bệnh nhân nội trú ở độ tuổi từ 12 trở lên, không cần thở oxy và không có nguy cơ biến chứng nặng. Vì vậy, MHLW sẽ phải sửa đổi các văn bản hướng dẫn hiện hành để mở rộng diện sử dụng Ronapreve.
Chính phủ Nhật Bản được cho là đã mua 200.000 liều Ronapreve. Do nguồn cung hạn chế từ Công ty Chugai - đơn vị được cấp phép sản xuất loại thuốc này ở Nhật Bản, nên MHLW đã quyết định dự trữ thuốc này và cung cấp miễn phí cho các bệnh viện đã đăng ký và chỉ sử dụng cho các bệnh nhân nội trú.
Cho đến nay, hơn 2.000 bệnh viện ở Nhật Bản đã đăng ký sử dụng Ronapreve. Tuy nhiên, do nguồn cung Ronapreve còn hạn chế nên Chính phủ Nhật Bản dự định ưu tiên sử dụng loại thuốc này cho các bệnh nhân ngoại trú có độ tuổi từ 50 trở lên và những người có bệnh lý nền.
THANH TÙNG