208 triệu người mắc bệnh COVID-19

Thứ Ba, 17/08/2021, 22:45 [GMT+7]
In bài này
.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 208.533.654 ca, trong đó có 4.382.087 người tử vong.

Mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia.
Mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ở Bekasi, Indonesia.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 187.015.616 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.135.394 ca và 106.922 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 16/8, thế giới có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại châu Á, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã đưa 15 nước, gồm Bangladesh, Campuchia, Pháp, Hy Lạp, Iran, Malaysia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Tanzania, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Mỹ, từ nhóm có nguy cơ trung bình lên nhóm có nguy cơ cao về dịch COVID-19 từ ngày 20/8. Đây đều là những nước có số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, do đó người nước ngoài từ các nước này nhập cảnh vảo Hong Kong sẽ phải cách ly lâu hơn trước đây. Trong khi đó, Chính quyền Khu Hành chính Đặc biệt Macau, thông báo sẽ mở cửa trở lại một số cơ sở giải trí vào ngày 18/8 tới trong bối cảnh tình hình COVID-19 nơi đây thuyên giảm.

Tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK đưa tin chính phủ nước này sẽ tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh nữa, ngoài Tokyo và 5 khu vực khác, trong giai đoạn từ ngày 20/8-12/9. Các tỉnh trong danh sách này gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, quyết định trên dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/8. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp áp dụng đến ngày 31/8 đối với Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa cũng sẽ được gia hạn đến ngày 12/9.

Israel ngày 16/8 đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới 8 nước là Uzbekistan, Argentina, Belarus, Nam Phi, Vương quốc Anh, Kyrgyzstan, CH Cyprus và Nga. Tuy nhiên, nước này sẽ vẫn duy trì lệnh cấm người dân nước này tới Brazil, Gruzia, Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung thêm Bulgaria vào danh sách do số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng mạnh trong thời gian gần đây. Công dân Israel và thường trú nhân ở Israel muốn tới 6 nước trên phải nộp đơn lên một ủy ban xem xét các trường hợp ngoại lệ.

Cùng ngày, Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia - đã ban bố lệnh giới nghiêm phòng ngừa COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Theo quyết định, người dân không được ra khỏi nhà từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu áp dụng từ tối 16/8 đến ngày 2/9. Những người làm các công việc thiết yếu phải có giấy phép đi đường.

Tính tới 23 giờ ngày 16/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 85.425 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 191.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Philippines, Timor Leste và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines tiếp tục chứng kiến xu thế số ca tử vong giảm mạnh, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này chỉ ghi nhận 27 ca tử vong.

Malaysia hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Myanmar trong 24 giờ qua số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục ở mức cao, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar ngày 16/8 có tới 2.706 ca bệnh mới và 182 ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 16/8 ghi nhận thêm trên 21.150 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực và cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch) và số ca tử vong là 182.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 593 bệnh nhân mới và 21 ca tử vong trong một ngày qua. Tại Phnom Penh, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia tăng ngày thứ ba liên tiếp sau khi biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại hôm 13/8 và điều này đồng nghĩa với việc chuỗi 2 tuần giảm ca mắc COVID-19 trước đó đã chấm dứt. Singapore ngày 16/8 cũng ghi nhận 53 ca COVID-19 mới.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 191.093 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.302 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 8.797.394 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 7.416.484 trường hợp.

THANH TUẤN

;
.