5 nước EU kêu gọi họp về tình trạng phân phối vắc xin không công bằng
Lãnh đạo các nước Áo, Cộng hòa Séc, Slovenia, Bulgaria và Latvia đã gửi một bức thư kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về “sự mất cân bằng lớn” trong phân phối vắc xin ngừa dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cùng 4 người đồng cấp đã gửi một bức thư lên Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó phàn nàn rằng “việc phân phối vắc xin của các công ty dược phẩm tới các nước thành viên riêng lẻ không được thực hiện trên cơ sở công bằng”.
Thư nêu rõ: “Nếu hệ thống này được duy trì sẽ tiếp tục gây ra và làm nghiêm trọng hơn những bất cân bằng lớn giữa các nước thành viên trong mùa hè tới, dẫn đến tình trạng một số nước có thể sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong vài tuần trong khi nhiều nước khác bị bỏ lại phía sau”.
Các nước trên kêu gọi tổ chức một cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo EU về “vấn đề quan trọng này trong thời gian sớm nhất”.
Theo ông Kurz, các nước thành viên EU đã nhất trí rằng việc phân phối vắc xin cho các quốc gia nên được thực hiện dựa trên quy mô dân số. Tuy nhiên, sau khi so sánh tổng lượng vắc xin có được giữa các quốc gia thành viên, ông thấy rằng có tình trạng “phân phối không theo cơ chế hạn ngạch đầu người”.
Nhà lãnh đạo Áo nêu rõ có những bằng chứng cho thấy đã có thỏa thuận bổ sung giữa các nước thành viên và các công ty dược phẩm. Đơn cử, đến cuối tháng 7, Malta sẽ nhận được lượng vắc xin bình quân trên đầu người cao gấp 3 lần so với Bulgaria. Tính đến cuối tháng 6, Hà Lan sẽ nhận được lượng vắc xin bình quân đầu người cao hơn Đức, thậm chí cao gần gấp đôi so với Croatia. Điều này rõ ràng mâu thuẫn với các mục tiêu chính trị của EU.
Dù ông Kurz mô tả việc một số nước có thỏa thuận bổ sung với các hãng dược là “kỳ lạ”, một người phát ngôn của EU khẳng định các nước thành viên có quyền “đề nghị thêm hoặc bớt lượng vắc xin” cung cấp cho mình.
Trong khi đó, Bộ Y tế Áo cũng bác bỏ than phiền của Thủ tướng Kurz, tái khẳng định tuyên bố của EU là mỗi nước thành viên được phép thông báo số liều mình muốn được cung cấp.
Đến nay, EU vẫn chậm chân hơn Mỹ, Israel và Anh xét về tỷ lệ dân số được tiêm phòng ít nhất 1 mũi vắc xin. EU lý giải sự chậm trễ này là do những vấn đề về nguồn cung và phân phối.
BÍCH LIÊN