.

Cô bé mê phim Star Trek và người "lái tàu đáp xuống Hỏa tinh"

Cập nhật: 08:05, 13/03/2021 (GMT+7)

Người đứng đầu đội kỹ sư vừa mới đưa tàu Perseverance (Kiên định) đáp thành công lên Hỏa tinh là một phụ nữ Mỹ gốc Ấn.

Swati Mohan tại nơi làm việc. (Nguồn: NASA)
Swati Mohan tại nơi làm việc. (Nguồn: NASA)

Điều này khiến hàng triệu người Ấn Độ tò mò tìm kiếm thông tin về bà trên Internet trong những ngày qua. Nhưng, như nhiều nhân viên cấp cao khác của NASA, đời tư của bà không được công khai nhiều.

Thứ năm ngày 18/2/2021 vào lúc 3h55 chiều, theo giờ miền Đông của Tây bán cầu ở Trái đất, tàu Perseverance đã đáp xuống khu hồ cạn Jezero Crater trên hành tinh đỏ, sau chuyến bay vượt qua 407 triệu km trong 6 tháng.

Sự kiện được truyền hình khắp thế giới trong những bản tin đặc biệt, thông báo rằng công cuộc khám phá không gian của nhân loại đã bước sang một trang mới với những tàu không gian đi tìm kiếm dấu vết sự sống ngoài Trái đất chứ không còn đơn giản là chỉ chụp hàng vạn tấm hình phong cảnh.

Trong những bản tin đó, có lẽ bạn đã nhìn thấy Swati Mohan, người phụ nữ có chấm tròn bindi giữa trán ngồi ở dãy đầu trong phòng điều khiển, liên tục cập nhật cho đội diễn biến chuyến bay.

NGƯỜI LÁI TÀU PERSEVERANCE

“Xác nhận đã tiếp đất” - giọng Mohan vang trên loa, liền sau đó là tiếng vỗ tay ran khắp phòng điều khiển trong khu thí nghiệm sức đẩy phản lực Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA ở TP. Pasadena, bang California, phía Tây nước Mỹ.

“Percy đã an toàn trên bề mặt Hỏa tinh, sẵn sàng bắt đầu tìm kiếm dấu vết của sự sống từng có” - Mohan tiếp tục tường thuật trong tiếng reo hò của các đồng nghiệp, giọng bà hơi run có lẽ vì xúc động. Con tàu có tên chính thức là Perseverance, nhưng Mohan - cũng như các đồng nghiệp ở JPL - gọi nó bằng một cái tên cưng hơn: Percy.

Dù được thông báo là đã tiếp đất an toàn, Percy thực ra đã hạ đáp xong từ hơn 10 phút trước. Độ trễ thời gian này là do tín hiệu truyền phát giữa Hỏa tinh và Trái đất cần 11 phút mới đến nơi.

Đó là yếu tố góp phần gây ra cái mà các đội điều khiển lâu nay gọi là “7 phút kinh hoàng”, khi tàu đi vào khí quyển nóng hàng ngàn độ của hành tinh đỏ trong 7 phút và với chừng đó thời gian phải giảm tốc từ 12.000km/h xuống zero, còn Trái đất thì không đủ thời gian gửi tiếp bất cứ lệnh nào để xử lý nếu có sự cố xảy đến.

“Khi chúng tôi xác định được là Perseverance đã chạm đến bầu khí quyển thì nó thực ra đã ở trên mặt đất được vài phút rồi” - AIlen Chen, người từng phụ trách việc điều khiển tàu Curiosity đáp xuống Hỏa tinh năm 2012 và là thành viên nhóm điều khiển chuyến bay Perseverance, giải thích.

Hơn 50 chuyến tàu khám phá Hỏa tinh đã được nhiều nước triển khai từ năm 1962, chỉ có 8 chuyến tiếp đất thành công. Cho nên, cú tiếp đất của Perseverance là kỳ tích, nhất là khi con tàu to cỡ một chiếc xe hơi SUV này là chiếc nặng nhất (1.026kg) trước nay từng được đưa lên Hỏa tinh.

Mohan, người phụ trách đội điều khiển tàu giai đoạn EDL - giai đoạn đi vào khí quyển (entry), hạ độ cao (descent) và đáp đất (landing) - không chỉ là người điều khiển chính, mà còn là người phụ trách việc thiết kế và phát triển một cách thức mới giúp tàu đáp êm hơn.

Đó là công nghệ Terrain Relative Navigation (TRN - điều hướng tương ứng địa hình) lần đầu tiên cho phép một tàu khám phá dùng camera để nhìn bề mặt Hỏa tinh và chọn vị trí đáp phù hợp, thay vì chỉ dựa vào tín hiệu radar như các đời tàu trước rồi “mù quáng” rơi vào một hẻm núi, một vách đá và... tan tành.

“(TRN) cho phép Perseverance nhìn xuống mặt đất, so sánh với bản đồ trên tàu và xác định nó đang ở đâu. Việc này tương tự như là một người nhìn vào các bảng tên đường và so sánh với bản đồ để xác định mình đang ở đâu” - Mohan giải thích với tờ India Times.

CÔ BÉ MÊ PHIM STAR TREK

Một tiếng trước khi tàu hạ đáp, Trái đất dừng việc truyền lệnh điều khiển và từ đó con tàu tự hành, tự vượt qua ELD và tự dùng TRN để chọn đáp xuống một chỗ bằng phẳng giữa một khu vực hiểm trở nhất Hỏa tinh.

Khi được hỏi tại sao lại chọn đáp ở nơi đầy hố sâu và lởm chởm đá như Jezero Crater, Mohan nói đội khoa học tin rằng nơi này lưu giữ các dấu vết sự sống dạng vi sinh vật và vì “công nghệ TRN có thể giúp tàu tránh được các địa hình nguy hiểm và hạ đáp an toàn”.

Từ đây về sau, với TRN, các chuyến tàu khám phá đã có đủ tai mắt để nghe nhìn Hỏa tinh. Máy ghi âm gắn trên tàu đã truyền về Trái đất những đoạn audio ghi lại âm thanh trên hành tinh đỏ, cho dù chỉ có những tiếng nổ điện tử lách tách thì đó vẫn là lần đầu tiên Trái đất nghe Hỏa tinh “nói”.

Để chuẩn bị cho những khoảnh khắc ngắn ngủi mà quan trọng đó, Swati Mohan đã làm việc miệt mài ở NASA từ nhiều năm nay. Trước Perseverance, bà từng tham gia các dự án khám phá không gian như Cassini, một tàu tự hành khám phá sao Thổ, và GRAIL, một chuyến bay đưa một bộ tàu đôi lên bay quanh mặt trăng.

Mohan bắt đầu làm việc cho chuyến Mars 2020 từ năm 2013 và cuối cùng thì trở thành kỹ sư trưởng về hướng dẫn, vận hành, kiểm soát hoạt động và chỉ huy hệ thống điều khiển định hướng.

“Công việc của chúng tôi là tính toán xem ta đang định hướng thế nào, đảm bảo tàu bay chính xác trong không gian (pin hướng về Mặt trời, ăngten hướng về Trái đất) và điều khiển tàu đi được đến nơi ta muốn” - Mohan giải thích trong mục hỏi - đáp trên website của NASA.

Niềm đam mê vũ trụ của Mohan đã bắt đầu từ hằng chục năm trước. Đó là khi cô bé Swati Mohan 9 tuổi được xem loạt phim truyền hình viễn tưởng nổi tiếng “Star Trek”, ngây ngất với một vũ trụ rộng lớn, đẹp đẽ và bị thuyền trưởng James T.Kirk của tàu Enterprise “hớp hồn”.

Nhưng Mohan vẫn luôn nghĩ rằng lớn lên sẽ làm bác sĩ nhi khoa, cho đến khi bắt đầu học vật lý năm 16 tuổi với “một thầy giáo tuyệt vời” và biết rằng để khám phá vũ trụ thì phải làm một công việc về kỹ thuật.

Mohan học ngành kỹ thuật cơ khí và vũ trụ tại Đại học Cornell, sau đó lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ về du hành vũ trụ và hàng không học ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Cuối cùng nữ tiến sĩ “đáp xuống” NASA.

Nhưng như mọi chuyên gia cao cấp của NASA, thông tin cá nhân của Swati Mohan trên Internet không có gì khác hơn bài giới thiệu trên website của NASA. Bài viết tóm tắt về quá trình công tác của Mohan ở cơ quan này, quá trình học tập trước đó, câu chuyện về cảm hứng từ Star Trek và một dòng viết rằng: “Swati Mohan nhập cư từ Ấn Độ vào Mỹ khi được 1 tuổi và lớn lên ở bang Northern Virginia/khu trung tâm Washington DC”.

Vài website câu view Ấn Độ liền “đồn” rằng Mohan vì quá đam mê sự nghiệp nên chưa lập gia đình và cũng không có bạn trai. Sai quá sai!

Nói thế là vì trong một bài phỏng vấn hiếm hoi với tờ Sunday Guardian của Ấn Độ vào tháng 8/2020, Mohan mới cho biết bà có hai con gái; chồng bà là một nhà nghiên cứu về vi trùng và cũng là một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm nhi. Ông tên Santhosh, một người Mỹ cùng sinh ra ở TP.Bangalore ở miền Nam Ấn Độ như bà.

“Bố mẹ tôi vẫn có một căn nhà ở Bangalore và mỗi năm vẫn về đó. Tôi vẫn có họ hàng ở Bangalore và các nơi khác ở Ấn Độ” - Mohan tiết lộ. Bà đã được cha mẹ nuôi dạy với các giá trị vững bền của Ấn Độ và vài năm vẫn về thăm quê hương một lần.

Trên trang cá nhân Twitter thường chỉ cập nhật về các bước tiến của dự án, Mohan vẫn có một mẩu đăng về việc đã cùng gia đình đón lễ hội Diwali của Ấn Độ Giáo trong hoàn cảnh phải hạn chế tiếp xúc do dịch COVID-19.

Vào ngày Percy chuẩn bị hạ đáp xuống sao Hỏa, nữ kỹ sư trưởng của đội phụ trách hạ đáp tàu đã nhuộm tím xanh vài lọn trên tóc và gắn lên đó vài ngôi sao trắng, rồi đến JPL từ 5h30 sáng.

Con tàu đã bay suốt 203 ngày và trong từng ấy thời gian Mohan đã ăn ngủ cùng chuyến bay theo những ca làm ngày và đêm.

Giờ đây, khi Perseverance đã bắt đầu việc dò tìm sự sống trên hành tinh đỏ, nhiệm vụ điều khiển tàu được giao lại cho các đội nghiên cứu khác, Mohan cùng với các đồng nghiệp nữ của mình trong đội phụ trách hạ cách có một công việc khác đầy thú vị: trả lời các cuộc phỏng vấn, mà mới nhất là cuộc phỏng vấn với Đài CBS, truyền cảm hứng để phụ nữ theo học khoa học kỹ thuật và tham gia việc nghiên cứu không gian, rằng vũ trụ ngoài kia đang rộng mở cho mọi phụ nữ từ Trái đất.

XUÂN KỲ (Tổng hợp)

.
.
.