Các nước thông qua "Tuyên bố Phnom Penh"
Ngày 9/12, Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến đã thông qua “Tuyên bố Phnom Penh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo dự hội nghị trực tuyến. |
Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
“Tuyên bố Phnom Penh” nhấn mạnh tập trung vào phục hồi KT-XH giai đoạn hậu COVID-19, chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng và thách thức trong tương lai dưới mọi hình thức thông qua hợp tác y tế công cộng và tích hợp các chuỗi cung ứng, cũng như coi quan hệ đối tác công tư là động lực kinh tế.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Hội nghị Cấp cao ACMECS 9 nhằm xem xét tiến độ theo 3 trụ cột của Kế hoạch Tổng thể ACMECS trong 5 năm, đó là kết nối liền mạch; đồng bộ hóa các nền kinh tế ACMECS và ACMECS Thông minh và Bền vững.
Hội nghị đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Tại hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí với đề xuất của Thái Lan về việc bổ sung nội dung “ACMECS An toàn, Bảo mật và Đáng tin cậy” làm trụ cột thứ 4 của Kế hoạch Tổng thể ACMECS nhằm tăng cường bản sắc cạnh tranh tiểu vùng như một nơi an toàn, bảo mật và đáng tin cậy cho thương mại, đầu tư và du lịch, cũng như là nơi tạo cơ hội cho các đối tác phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kiến nghị 3 điểm hợp tác của ACMECS là kết nối đa chiều, thành lập Quỹ Phát triển ACMECS và thành lập Ban Thư ký ACMECS.
Về kết nối đa chiều như là động cơ chính của sự phát triển ACMECS, Thủ tướng Prayut cho rằng điều này bao gồm tất cả các khía cạnh của kết nối, kể cả phần cứng, phần mềm và nền tảng kỹ thuật số.
Thủ tướng Prayut nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng công nghệ trong thương mại qua biên giới, đẩy nhanh việc cải thiện và tiêu chuẩn hóa các quy tắc và quy định và phát triển các nền tảng điện tử cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) nhằm giúp thúc đẩy năng lực kinh doanh và tạo việc làm - điều sẽ cải thiện sinh kế của người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Thủ tướng Prayut cho biết thêm bước tiếp theo để thúc đẩy Kế hoạch Tổng thể ACMECS là tăng cường hợp tác trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Về thành lập Quỹ Phát triển ACMECS, Thủ tướng Prayut cho biết điều này nhằm giúp thúc đẩy các dự án phát triển phản ánh thực sự những nhu cầu của tiểu vùng.
Thủ tướng đề nghị từng quốc gia thành viên xúc tiến quy trình nội bộ cần thiết để hoàn thành cam kết này, đồng thời tái khẳng định Thái Lan cam kết đóng góp 200 triệu USD để hỗ trợ các dự án mang lại lợi ích cho người dân và tiểu vùng.
Về thành lập Ban Thư ký ACMECS, Thủ tướng Prayut bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với thỏa thuận giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các nhóm quan chức cấp cao (SOM) nghiên cứu các phương án cho chặng đường phía trước, trong đó có đề xuất của Thái Lan về việc thành lập Ban Thư ký ACMECS mà sẽ đóng vai trò là văn phòng điều phối chính của nhóm để thu thập và phân tích dữ liệu, soạn thảo các chiến lược thực hiện dự án và phối hợp với các đối tác phát triển.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Prayut bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng ACMECS đoàn kết để chống lại những thách thức chưa từng có hiện nay và bảo đảm sự phát triển bền vững của tiểu vùng.
Thủ tướng Prayut nhắc lại cam kết đầy đủ và ý định thực sự của Thái Lan trong việc phối hợp với các thành viên ACMECS ở tất cả các cấp và hợp tác với tất cả các ngành để đạt được những mục tiêu đã thống nhất.
THỐNG NHẤT (TTXVN)