Hungary và Ba Lan kiên quyết bác kế hoạch ngân sách của EU
Hungary và Ba Lan tiếp tục bảo lưu quyền phủ quyết đối với kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ euro (2.140 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (phải) và người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau. |
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 8/12 đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau tại Brussels (Bỉ). Ngoại trưởng Szijjarto nêu rõ: “Chúng tôi đã khẳng định rằng chúng tôi ủng hộ lẫn nhau. Chúng tôi sẽ không tạo cơ hội cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá vỡ mối quan hệ này”.
Trước đó, ngày 4/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Muller cũng đều khẳng định không thay đổi lập trường của mình về kế hoạch ngân sách và gói cứu trợ.
Thủ tướng Orban tuyên bố rằng, nước này vẫn không thể chấp nhận việc gắn tiêu chí tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của EU với vấn đề ngân sách và quỹ phục hồi kinh tế. Ông nói thêm rằng các nguyên tắc chính trị về tôn trọng pháp quyền EU nên được xử lý riêng rẽ.
Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7, đang rơi vào bế tắc sau khi Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU, đồng thời bác kế hoạch ngân sách nói trên.
Ngày 4/12 vừa qua, chính phủ các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được đồng thuận về ngân sách thường niên cho năm 2021. Tuy nhiên, dự thảo ngân sách này sẽ không thể được phê chuẩn thành luật nếu Ba Lan và Hungary không rút lại quyền phủ quyết đối với khung ngân sách EU 2021-2027 tổng thể.
Kế hoạch ngân sách năm 2021 dành cho tất cả 27 quốc gia thành viên của EU được xây dựng dựa trên tiêu chí cắt giảm chi tiêu đề ra trong khung ngân sách dài hạn cho 7 năm tới.
Nếu Ba Lan và Hungary không rút lại quyền phủ quyết tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của liên minh diễn ra vào ngày 10/12 tới, EU sẽ hướng tới một thỏa thuận tài chính tạm thời cho năm 2021. Theo đó, tất cả các dự án mới sẽ buộc phải “đóng băng”, trừ những dự án đã được triển khai theo khung ngân sách giai đoạn 2014-2020.
Theo kế hoạch, gói phục hồi kinh tế trên sẽ bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Nếu không được triển khai, hàng trăm DN và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này.
MINH CHÂU (Vietnam+)