.

Nỗi sợ kỳ thị sau khi sống sót trong đại dịch COVID-19

Cập nhật: 07:16, 19/09/2020 (GMT+7)

Tính đến hết ngày 20/9/2020, toàn thế giới đã có hơn 30 triệu người nhiễm virus SARS CoV-2, trong đó hơn 950.000 người tử vong và hơn 22 triệu người bình phục. Tại Mỹ, nơi có số người mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới và số người chết cũng nhiều nhất thế giới thì những người may mắn sống sót sau khi nhiễm bệnh đã kể về những trải nghiệm của mình…

Không ai mua nông sản của những người này dù họ đã chữa lành COVID-19.
Không ai mua nông sản của những người này dù họ đã chữa lành COVID-19.

Ngày 11/9/2020, bà Elizabeth Martucci cùng con trai 11 tuổi được coi là đã hồi phục sau khi mắc COVID-19, xuất hiện trước sân nhà ở đường Cape May Court House, hạt Jersey Shore, bang New Jersey, Mỹ. Với viên phấn trong tay, hai mẹ con viết một dòng chữ lớn trên lề đường: “Chúng tôi là những người sống sót sau đại dịch và giờ chúng tôi đã khỏe”.

Tuy nhiên, một số hàng xóm nhìn mẹ con bà Elizabeth với cặp mắt khó chịu. Thậm chí có người còn bước vội sang bên kia đường khi họ đi gần đến chỗ bà đang đứng khiến bà Elizabeth nhận ra rằng khỏi bệnh chưa chắc đã là tất cả. Bà nói: “Khi những người nhiễm virus từ bệnh viện hoặc từ nơi cách ly trở về chỗ họ vẫn sinh sống trước đó, họ buộc phải quen với một thực tế là xã hội chưa sẵn sàng để chào đón họ”.

Các phát hiện về cơ chế lây bệnh của virus SARS CoV-2 và cách thức mà chúng biến đổi gien đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về tính hiệu quả và sự miễn dịch sau khi nhiễm bệnh rồi được chữa khỏi. Chính vì thế, một số người sống sót phải đối mặt với sự kỳ thị của thế giới bên ngoài: Một bác sĩ thú y đã từ chối chữa trị cho con chó của một phụ nữ mắc COVID-19 nhưng đã hồi phục. Một thợ giặt ủi đóng cửa tiệm của mình khi hàng xóm mang đến những bộ quần áo đã được mặc ở khu cách ly. Một thiếu niên khi nằm bệnh viện để chữa trị COVID-19 luôn mơ tới ngày lại được đi câu cá cùng bạn bè nhưng khi xuất viện, chẳng ai trả lời điện thoại của cậu. Bà Elizabeth cay đắng: “Khi tôi đạp xe đến gần nhà ông Williams, ông ấy đã vấp ngã khi cố gắng chạy tránh xa tôi. Dưới mắt hàng xóm, tôi bị xem như là một người có bệnh truyền nhiễm chứ không phải là một người đã thoát khỏi đại dịch”.

Cảm giác bị kỳ thị không phải là điều mà bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào cũng nghĩ đến lúc đã bình phục. Thậm chí sau khi xét nghiệm âm tính, những người tình nguyện hiến tặng huyết tương để cứu mạng người khác vẫn bị xem là “không nên đến gần”. Mark D. Levine, thành viên Hội đồng thành phố New York đã từng trải qua các triệu chứng của virus hồi cuối tháng ba, và mặc dù ông đã tự cách ly ở nhà, kết quả xét nghiệm cũng đã âm tính nhưng ông vẫn cảm thấy choáng váng khi người giao báo hàng ngày thay vì đặt tờ báo trước cửa nhà ông như mọi khi, thì anh ta ném nó qua hàng rào. Ông nói: “Có những người không hiểu rằng khi bạn đã hồi phục thì bạn không còn có thể lây cho ai được nữa. Vì thế nên họ vẫn tránh né bạn. Đây là một thất bại trong lĩnh vực phổ biến kiến thức về dịch bệnh”.

Ở Long Island, bà Flora Touloupis, 60 tuổi, đã trải qua cả hai cảm giác về lòng tốt và sự kỳ thị. Sau khi chữa lành COVID-19, bà cảm thấy ấm áp bởi dĩa táo do người hàng xóm hái trong vườn rồi để trước cửa nhà bà. Nhưng khi ăn xong, bà đem cái dĩa sang trả thì người hàng xóm nhắn tin cho bà qua điện thoại: “Vứt nó đi”. Bà kêu lên: “Ôi Chúa ơi, sao tôi giống như người bị bệnh hủi vậy!”

Samantha Hoffenberg sống ở Manhattan nói rằng bà hiểu tại sao gia đình lại xa lánh bà gần 2 tháng sau khi bà hồi phục: Bố bà phải nhập viện vì những biến chứng của bệnh mất trí nhớ. Tiếp theo, ông nhiễm SARS CoV-2 trong bệnh viện rồi lây cho bà. Khi ông qua đời hồi đầu tháng 4, bà Samantha vẫn phải cách ly để điều trị.

Ngày 23/4, khu nhà bà Samantha cách ly xảy ra một đám cháy khiến bà hoảng loạn. Một nhân viên y tế gọi cho gia đình bà nói rằng bà không còn bị nhiễm virus nữa, bà muốn được gặp họ nhưng họ đã từ chối. Bà Samantha cay đắng: “Tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh tăm tối như thế này. Gia đình tôi sợ tôi đến nỗi thậm chí họ còn không dám nghe điện thoại. Trời ơi, virus nào có thể lây qua điện thoại được cơ chứ!”.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học John Hopkins, có khoảng 37% người bệnh COVID-19 ở Mỹ, bao gồm cả người châu Á và châu Phi đã chữa lành, bị kỳ thị bởi hàng xóm, đồng nghiệp và ngay cả người thân. John Hopkins nhấn mạnh: “Nỗi sợ hãi bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị kỳ thị do bùng phát dịch bệnh có thể khiến người nhiễm bệnh tìm cách dấu diếm các triệu chứng lâm sàng, không đi thăm khám và trốn tránh xét nghiệm”. Vì thế, vẫn theo Bệnh viện Đại học John Hopkins: “Khi chúng ta chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh mới hoặc tái phát, chúng ta cũng nên chuẩn bị đối phó với “đại dịch sợ hãi” đi kèm với nó. Bằng cách phát triển các chiến lược giáo dục hành vi và sức khỏe, đồng thời quan tâm kịp thời đến các nhu cầu đặc biệt của các nhóm cư dân bị ảnh hưởng, chúng ta có thể đảm bảo rằng bất kể bệnh truyền nhiễm là bệnh gì, chúng ta vẫn có thể hạn chế sự kỳ thị…”.

VŨ CAO

(Theo The New York Times)

.
.
.