Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ người châu Á
Với 243 phiếu thuận và 164 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 18/9 đã thông qua dự luật lên án mọi hình thức thể hiện quan điểm kỳ thị người châu Á liên quan đến dịch COVID-19.
Hạ nghị sĩ Grace Meng, người đưa ra đề xuất phản đối kỳ thị người châu Á. |
Dự luật do Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Grace Meng đề xuất được thông qua trong bối cảnh thời gian qua xuất hiện làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khiến dư luận dậy sóng với việc gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc”.
Những người ủng hộ cho rằng, đây là một văn kiện cần thiết khi mà các vụ quấy rối và bạo lực nhằm vào cộng đồng người châu Á đã gia tăng đáng kể kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Phát biểu tại Hạ viện trước khi bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định đã có rất nhiều người đồng thuận trong việc lên án những hành vi bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. Theo bà Pelosi, mọi quan điểm kỳ thị, ví dụ như gắn tên virus với một địa danh cụ thể, sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như công tác phòng chống dịch bệnh. Bà Pelosi còn dẫn lời một nhân viên y tế của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) nói “sự kỳ thị là kẻ thù của sức khỏe cộng đồng”.
Tuy nhiên, dự luật trên vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phe Cộng hòa. Họ cho rằng đảng Dân chủ đang đi chệch hướng khi mất thời gian cho một dự luật không mang tính ràng buộc, trong khi đáng lẽ phải thảo luận về một số dự luật quan trọng khác để có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lưu ý, việc gọi tên một loại virus hay một dịch bệnh nào đó gắn với địa danh khởi phát đã từng xảy ra trong quá khứ, ví như virus Ebola hay virus Tây sông Nile. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan thậm chí cho rằng dự luật vừa được Hạ viện thông qua chỉ nhằm mục đích công kích Tổng thống Donald Trump trong lúc nguồn gốc và tính nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 chưa được hiểu đúng.
Trước đó, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng có thể virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nhưng không đưa ra được bằng chứng chứng minh cho điều này. Trung Quốc đã kịch liệt bác bỏ nhận định trên.
NGỌC ÁNH (TTXVN)