.

Sẵn sàng trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19

Cập nhật: 18:51, 17/09/2020 (GMT+7)

Thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 30 triệu vào ngày 17/9, tức sau khoảng 9 tháng phát hiện những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Số ca tử vong do COVID-19 cũng lên tới hơn 945.000 trường hợp. Tại nhiều quốc gia, dịch bệnh không những chưa được kiềm chế, mà còn có xu hướng tái bùng phát trên diện rộng, khi mà chính phủ các nước quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo phân tích của hãng tin Reuters, tình trạng lây lan COVID-19 vẫn gia tăng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 tại Florence, Italy.  Ảnh: THX/TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 tại Florence, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dự báo của WHO, thế giới vẫn phải “sống chung với COVID-19” ít nhất cho đến hết năm 2021. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dù thế giới đã dành 18.000 tỷ USD cho các biện pháp kích cầu, nền kinh tế toàn cầu vẫn thiệt hại khoảng 12.000 tỷ USD hoặc có thể hơn vào năm 2021. Đây là mức thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nặng nề nhất từng ghi nhận từ Thế chiến thứ hai. Điều đó khiến nhiều nước lựa chọn giải pháp linh hoạt giữa phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế, trong đó có việc mở cửa trở lại nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đi lại, nối lại một số chuyến bay quốc tế...

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đang chủ động tìm cách thích ứng với tình hình mới, duy trì các hoạt động cần thiết. Đại Hội đồng LHQ khóa 75 vừa khai mạc dưới hình thức trực tuyến. Bất chấp dịch COVID-19, trong hơn 7 tháng qua, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua hơn 70 nghị quyết và quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết “Ứng phó toàn diện và phối hợp với đại dịch COVID-19”. Trong nửa đầu tháng 9 này, dưới sự chủ trì của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, lần lượt Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), tiếp đó là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM53) và các hội nghị liên quan đã lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến và đạt được kết quả tốt đẹp.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng được thúc đẩy nhờ những tín hiệu đáng mừng trong nghiên cứu phương pháp điều trị và bào chế vaccine. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y khoa Pittsburgh (Mỹ) thông báo đã tìm thấy kháng thể có thể “vô hiệu hóa hoàn toàn” virus SARS-CoV-2, với kỳ vọng loại thuốc được bào chế từ kháng thể này sẽ sớm được sử dụng như một liệu pháp phòng chống SARS-CoV-2 trong bối cảnh chưa có vaccine hiệu quả và an toàn để tiêm chủng đại trà...

Con số hơn 30 triệu người nhiễm và gần 1 triệu người tử vong do COVID-19 cho thấy cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn dài. Điều đó đòi hỏi các chính phủ và mỗi người dân đều phải trong trạng thái sẵn sàng để có thể chủ động, linh hoạt trước mọi diễn biến phức tạp của đại dịch, bởi như nhận định của  Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19, việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc vào chính con người.

THANH PHƯƠNG (TTXVN)

 
.
.
.