WHO nỗ lực bảo đảm các hoạt động không bị gián đoạn
* EU cân nhắc mạnh tay đầu tư kích thích tăng trưởng hậu COVID-19 * G20 cam kết chi hơn 7.000 tỷ USD để đối phó dịch.
Ngày 16/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ ngừng tài trợ cho WHO.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại hiệu thuốc ở Paris, Pháp. |
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, ông Tedros bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục là một nước tài trợ chính cho WHO, nhấn mạnh cam kết của tổ chức này trong việc phục vụ người dân trên toàn thế giới, cũng như bảo đảm sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Ông cho biết hoạt động ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của WHO sẽ được các nước thành viên của tổ chức này cũng như các cơ quan độc lập đánh giá để bảo đảm tính minh bạch và xác định trách nhiệm rõ ràng.
Trước mắt, WHO sẽ có đánh giá về mức độ ảnh hưởng tới hoạt động của mình sau khi Mỹ ngừng viện trợ, đồng thời cố gắng bảo đảm các hoạt động không bị gián đoạn. Tổng Giám đốc WHO cũng nói thêm rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không phân biệt các quốc gia giàu hay nghèo, nhỏ hay lớn, cũng như không phân biệt quốc tịch hay chủng tộc. Theo ông, đây là lúc tất cả các nước trên toàn thế giới phải đoàn kết trong cuộc chiến chống lại kẻ thù nguy hiểm chung COVID-19.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington sẽ đóng băng các khoản hỗ trợ tài chính cho WHO trong khi tiến hành đánh giá xem liệu tổ chức này có che đậy thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 và có thiếu sót nghiêm trọng trong ứng phó với dịch bệnh hay không.
* Ngày 16/4, giới chức Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố gói ngân sách dài hạn trong thời gian tới của liên minh cần được sử dụng để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết tại hội nghị trực tuyến vào ngày 23/4 tới, lãnh đạo 27 nước thành viên trong EU sẽ thảo luận về các kế hoạch cho ngân sách chung trong giai đoạn 2021-2027.
Ông Michel nêu rõ tại hội nghị này, EU sẽ đưa ra các điều chỉnh chiến lược đối với ngân sách chung của liên minh nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Mục tiêu là đưa thị trường chung EU hoạt động trở lại sau các lệnh phong tỏa và hỗ trợ thêm cho các công dân EU. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các lãnh đạo EU đoàn kết trong tương lai, đồng thời rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay.
Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh dự thảo ngân sách phải là đáp án của EU trong việc xử lý khủng hoảng do dịch bệnh. Theo bà, khoản ngân sách này cần phải bao gồm khoản đầu tư lớn trong một cho đến ba năm đầu để kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi các nước EU phối hợp nới lỏng các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh để ngăn các tác động tiêu cực trên diện rộng.
Cũng tại họp báo, bà Leyen thông báo EU sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 4/5 tới để các chính phủ và tổ chức có thể cam kết hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Trong tuyên bố, Chủ tịch EC đã nêu bật tầm quan trọng của việc có đủ ngân sách để hỗ trợ sáng kiến toàn cầu, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các quốc gia và các tổ chức trên thế giới sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này.
* Mạng tin Al Arabiya ngày 16/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cho biết nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí bơm hơn 7.000 tỷ USD nhằm bảo vệ thị trường lao động, các DN và nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo Bộ trưởng al-Jadaan, sau cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 do Saudi Arabia chủ trì, các bên khẳng định ủng hộ sáng kiến tạm hoãn thời hạn trả nợ với những quốc gia nghèo nhất có yêu cầu khất nợ.
Bên cạnh đó, G20 cam kết bảo vệ thị trường việc làm cho người lao động, duy trì ổn định hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời khẳng định quyết tâm vượt qua đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, ông Al-Jadaan lạc quan thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nếu các bên tiếp tục cùng nhau đối phó với dịch COVID-19 cũng như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai.
Trong lĩnh vực dầu mỏ, Bộ trưởng al-Jadaan cho biết nhóm G20 hoan nghênh thỏa thuận lịch sử giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (nhóm OPEC+) nhằm cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày.
Theo ông al-Jadaan, tỷ trọng dầu mỏ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế khu vực, trong đó có Saudi Arabia, sẽ giảm xuống trong thời gian tới, song điều quan trọng nhất là duy trì sự cân bằng trên thị trường năng lượng.
ĐỨC ANH (Tổng hợp)