Doanh nghiệp toàn cầu chống đỡ virus Corona

Thứ Năm, 06/02/2020, 20:01 [GMT+7]
In bài này
.

Với sức mạnh và vị trí kinh tế của Trung Quốc trong mối quan hệ của chuỗi cung ứng toàn cầu, chủng mới của virus corona (2019-nCoV) đang gây ra những tác động nhất định đến các DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Du thuyền “Diamond Princess” bị cách ly ngoài khơi cảng Daikoku, Yokohama, Nhật Bản, ngày 4/2/2020, do dịch virus Corona. (Nguồn: Kyodo)
Du thuyền “Diamond Princess” bị cách ly ngoài khơi cảng Daikoku, Yokohama, Nhật Bản, ngày 4/2/2020, do dịch virus Corona. (Nguồn: Kyodo)

Điều này buộc các DN phải có các biện pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ít nhất ngày 10/2 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp trước tiên do Trung Quốc quyết định phong tỏa hàng chục thành phố và cấm các tour du lịch nước ngoài nhằm kiềm chế dịch bệnh bùng phát. Các quốc gia khác cũng khuyến cáo công dân nước mình tránh đến Trung Quốc và cấm đến từ đó.

Nhiều hãng hàng không cũng cắt giảm hoạt động của mình. Các hãng Air Canada, Air France, British Airways, Delta và Lufthansa đã hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc. Hãng Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đang phải chịu thiệt hại lớn nhất khi ngày 5/2 đã phải cho toàn bộ 27.000 lao động nghỉ không lương 3 tuần.

Nhiều sòng bạc ở Macau (Trung Quốc) - sân chơi cho những người giàu và những “đại gia” đầy hứa hẹn từ Trung Quốc đại lục cũng đã phải đóng cửa. Các cửa hàng lưu niệm ở Paris (Pháp) - một điểm dừng chân không thể thiếu đối với du khách Trung Quốc lại “im ắng lạ thường”.

Ngành du lịch Italy cũng có nguy cơ thiệt hại lên đến 4,5 tỷ euro trong năm nay. Các du thuyền MSC Cruises, Costa Cruises và Royal Caribbean đã hủy các chặng dừng chân tại Trung Quốc. 

Các rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc cũng buộc phải đóng cửa, bất chấp đây là khoảng thời gian ra mắt các phim bom tấn. Theo giới phân tích, hệ thống rạp chiếu phim Imax tại Canada có thể thiệt hại từ 60-200 triệu USD doanh thu phòng vé.

Trong lĩnh vực điện tử, gã công nghệ khổng lồ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc cho đến giữa tháng này. Điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các công ty công nghệ nhập linh kiện của Foxconn, từ điện thoại iPhone của Apple đến TV màn hình phẳng và máy tính xách tay. Do đó, Apple đang xem xét các kế hoạch đền bù cho sự thiếu hụt sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc.

Trong khi đó, tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng rút khỏi Triển lãm Di động thế giới - sự kiện hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp điện thoại thông minh, nhằm tránh sự đi lại không cần thiết.

Trong khi đó, TP.Vũ Hán của Trung Quốc - tâm điểm dịch bệnh lại là “thủ phủ” của các hãng sản xuất xe hơi nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đến Hàn Quốc. Việc kéo dài kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc cũng có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của các hãng. Hyundai thông báo ngừng hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc vì thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Hãng xe điện Tesla cho rằng 2019-nCoV có thể làm trì hoãn việc tăng tốc sản xuất theo kế hoạch tại nhà máy của hãng tại Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc) và có nguy cơ ảnh hưởng đến thu nhập của công ty trong quý này.

Ngành thực phẩm và đồ uống cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ 2 của chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks của Mỹ với hơn 4.000 cửa hàng. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã phải đóng cửa vì dịch bệnh. Chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đã đóng cửa toàn bộ tại tỉnh Hồ Bắc. Pizza Hut và KFC cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới cũng đang phải chịu những tác động từ dịch bệnh do 2019-nCoV như Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, hãng sản xuất đồ thể thao Nike, Adidas.

TRẦN QUYÊN

 

 

 
;
.