con người với giấc mộng trường sinh bất tử? Kỳ 1: Những dự án mang theo tham vọng thay đổi tạo hóa!
Từ hàng ngàn năm trước, con người - đặc biệt là các bậc vua chúa đều nuôi tham vọng “sống mãi không chết”. Để thực hiện ước mơ này, đã có những “thần dược”, những phương pháp kỳ bí được đưa ra áp dụng nhưng tất cả đều không thành công. Hiện tại, giấc mơ “trường sinh bất tử” vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Với những hiểu biết về cơ chế sinh học của cơ thể người cộng với những máy móc tối tân, liệu rằng giấc mơ ấy có trở thành sự thật?
Phòng xử lý đông lạnh của Công ty Alcor. |
Ngủ đông để chờ… thức dậy?
Tháng 9/1959, bác sĩ Ron Howard, chuyên gia về lĩnh vực mô phôi tại Đại học Y khoa Maryland (bang Maryland, Mỹ) có buổi gặp gỡ với tiến sĩ Tommy Hawking, chuyên ngành ung thư, đến từ Đại học Bristish Columbia. Số là bà Cynthia Kenwood, vợ của Ron Howard bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và sự sống chỉ còn tính được từng ngày. Để cứu vợ, Ron Howard đã thử tiến hành một số thí nghiệm liên quan đến chuyện ngủ đông - như thường thấy ở loài gấu trắng Bắc cực. Ông kể với tiến sĩ Tommy: “Tôi tạo ra cái chết lâm sàng cho một con thỏ bằng cách đặt nó trong môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 1960C. Sau 21 ngày, tôi đưa nó trở lại trạng thái bình thường và nó vẫn sống. Vậy tôi có thể áp dụng phương pháp ấy với vợ tôi được không? Bà ấy sẽ “ngủ” cho đến khi nào y học tìm ra thuốc chữa ung thư buồng trứng…”.
Vẫn theo tiến sĩ Tommy, giấc ngủ đông có liên quan đến một chất, gọi là “chất gây ngủ”, được cơ thể gấu sản sinh ra khi đã có đủ những yếu tố cần thiết, chẳng hạn như lượng chất béo mà nó tích lũy được, nhiệt độ, thời tiết… Ông viết: “Tôi lấy máu của một con gấu Bắc cực đang trong giai đoạn ngủ đông rồi bảo quản nó. Đến mùa xuân, khi tất cả loài gấu đã tỉnh giấc, tôi tiêm máu này cho một con gấu đang hoạt động. Tiếp theo, tôi đưa nó vào môi trường lạnh âm 200C. Vài giờ sau, nó ngủ”.
Chưa dừng lại với thí nghiệm kể trên, tiến sĩ Tommy tiếp tục lấy máu của con gấu đã được tiêm “chất gây ngủ” nhưng lần này, ông lọc hết hồng cầu, bạch cầu, chỉ giữ lại huyết thanh rồi tiêm cho một con gấu khác. Giống như lần trước, sau gần 6 tiếng, con gấu tiếp tục… ngủ đông trong một căn phòng lạnh âm 200C dù bên ngoài đã là mùa hè - thời điểm mà nó buộc phải tỉnh dậy để đi kiếm ăn. Ông kết luận: “Như vậy, có thể tạo ra “giấc ngủ đông” cho con người, nhất là những người mắc bệnh nan y. Họ sẽ “ngủ” cho tới khi nào khoa học tìm ra phương pháp chữa lành cho họ”.
Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế là cả một quãng đường dài. Lúc này, nước Mỹ vẫn chưa cho phép bảo quản cơ thể những người bị bệnh hiểm nghèo bằng hình thức “ngủ đông” để chờ ngày hồi sinh. Bác sĩ Ron Howard kể: “Cả tôi lẫn tiến sĩ Tommy đều không dám thực hiện kỹ thuật ngủ đông cho vợ tôi, một phần vì sợ rắc rối luật pháp. Phần nữa, Tommy mới chỉ thí nghiệm với loài gấu còn tôi cũng chỉ thí nghiệm trên thỏ chứ chưa áp dụng trên người…”.
Những bước đầu tiên
Cuối năm 1960, với sự trợ giúp của bác sĩ Ron Howard, tiến sĩ Tommy quyết định mạo hiểm. Chọn một con tinh tinh 6 năm tuổi - là động vật có cấu trúc sinh học gần giống như người, ông tiến hành tạo ra một tổ chức ung thư trên lá gan con vật. Khi khối u đã phát triển, ông lấy huyết thanh gấu có “chất gây ngủ” tiêm cho một con ngựa rồi lấy huyết thanh ngựa tiêm cho con tinh tinh để đề phòng trường hợp tinh tinh kháng lại huyết thanh gấu. Sau đó, ông đặt con tinh tinh vào một chiếc thùng bằng thép không gỉ, có gắn các thiết bị theo dõi rồi bắt đầu hạ nhiệt độ xuống từ từ bằng cách bơm ni tơ lỏng vào thùng. Ông viết trong cuốn “Giấc đông miên”: “5 ngày sau, nhiệt độ trong thùng mới giảm xuống âm 1960C vì nếu giảm đột ngột, con vật sẽ chết vì phù phổi cấp”.
Một tuần, 10 ngày rồi 1 tháng trôi qua, tất cả các thiết bị theo dõi cho thấy con tinh tinh vẫn sống nhưng vợ bác sĩ Ron Howard thì qua đời vì bệnh ung thư. Tiến sĩ Tommy viết: “90 ngày sau, chúng tôi quyết định đưa con vật ra để xem xét”. Cũng phải mất 5 ngày, Tommy và các cộng sự mới làm cho nhiệt độ trong thùng trở lại 310C. Vẫn theo Tommy: “Đưa ra khỏi thùng hơn 3 tiếng, con tinh tinh mở mắt và bắt đầu đòi ăn. Sau khi kiểm tra các dấu hiệu sinh học và khi biết tất cả đều bình thường, tôi mổ con tinh tinh. Điều ngạc nhiên nhất là trải qua gần 100 ngày - kể từ lúc nó bắt đầu ngủ đông cho đến lúc nó thức dậy - khối u trong gan con vật teo nhỏ lại, có lẽ là do tế bào ung thư thiếu máu nuôi”.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thí nghiệm của tiến sĩ Tommy chỉ dừng lại ở đó, nhưng nó đã là tiền đề cho nhiều nhà khoa học lao vào tìm kiếm giấc mộng trường sinh, trong đó đáng kể nhất là những công trình nghiên cứu và thực nghiệm của một Công ty Alcor, trụ sở tại bang Arizona, Mỹ, chuyên tạo ra giấc “ngủ đông” cho những người mắc bệnh nan y để chờ ngày được chữa trị, hoặc những người tự nhiên chán sống ở thời đại này, muốn “ngủ” một giấc 20, 30 và thậm chí là 50 năm rồi tỉnh dậy để… sống tiếp!
VŨ CAO
(Theo Sience News)