Liên hợp quốc công bố các ưu tiên hành động trong năm 2020
Ngày 5/2, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (ảnh) đã có buổi họp báo đầu năm thường niên nhằm đưa ra thông điệp về các vấn đề ưu tiên của tổ chức này trong năm 2020.
Đó là tập trung tìm kiếm giải pháp cho các căng thẳng chính trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác.
Điểm lại những kết quả nổi bật nhất của Liên hợp quốc trong năm 2019, Tổng Thư ký Guterres cho rằng Liên hợp quốc đã đi đúng hướng trong việc tìm giải pháp cho một số điểm nóng. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu của sự xuống thang và những tiến triển đạt được. Tất cả đã thay đổi".
Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng phải thừa nhận một thực tế là tình trạng căng thẳng ở một số nơi đang leo thang trở lại, từ Libya cho tới Yemen, Syria và nhiều nơi khác nữa.
Bất ổn gia tăng và những căng thẳng địa chính trị không thể dự đoán trước đã tạo thành "những cơn gió điên cuồng" càn quét toàn cầu, sẵn sàng bùng phát bất cứ khi nào do nguy cơ tính toán sai lầm. Trong khi đó, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an đang ngày càng bị phớt lờ, thậm chí trước khi văn bản còn chưa "ráo mực".
Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng tất cả các vấn đề đều có mối liên kết, ràng buộc với nhau. Từ việc kinh tế đi xuống kéo theo nạn đói nghèo dai dẳng, bất ổn gia tăng ảnh hưởng đến đầu tư, quản trị yếu kém tạo điều kiện cho những phần tử khủng bố trỗi dậy, chiếm lĩnh những khoảng trống quyền lực...
Vì vậy, trong năm 2020, Liên hợp quốc sẽ tập trung các nỗ lực nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn này và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngoại giao vì hòa bình.
Ông Guterres cũng thông báo sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) vào cuối tuần tới tại Addis Ababa, với hy vọng đây sẽ là cơ hội để thảo luận các nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột cũng như giải quyết một loạt các thách thức toàn cầu.
Liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng vòng luẩn quẩn từ việc phát thải khí carbon gây hiện tượng ấm lên toàn cầu, dẫn tới băng tuyết tan chảy khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa các thành phố và vùng đồng bằng duyên hải, khiến cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.
Dù nhận thức đã thay đổi và các chương trình hành động của chính phủ các nước và khu vực tư nhân đã gặt hái một số kết quả nhưng thách thức vẫn còn nhiều, trong đó nổi bật vẫn là vấn nạn lạm dụng nhiên liệu hóa thạch.
Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là những nước phát thải khí carbon hàng đầu thế giới, cần phải cam kết mạnh hơn nữa, cả về tuyên bố lẫn tài chính, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các hội nghị lớn trong năm 2020, nhất là Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Anh, sẽ là cơ hội để hành động.
Đề cập với việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, ông Guterres cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực để phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và bất bình đẳng để thiết lập một quá trình toàn cầu hóa công bằng không để ai bị tụt lại phía sau.
Liên hợp quốc đã đề ra Thập kỷ Hành động để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững và khi một mục tiêu đạt được tiến triển thì có thể thúc đẩy các mục tiêu khác, ông Guterres nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực thì vai trò của các thể chế đa phương đang cần thiết hơn bao giờ hết và phải được điều chỉnh theo những thách thức của thế kỷ 21.
Ông Guterres cam kết tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác trong giải quyết các vấn nạn toàn cầu.
KHẮC HIẾU (TTXVN)