.

Ta đã có thể nghe được giọng nói của xác ướp 3.000 năm tuổi

Cập nhật: 08:03, 08/02/2020 (GMT+7)

Bằng công nghệ chụp cắt lớp (CT) và in 3D, các nhà khoa học Vương quốc Anh đã tái tạo giọng nói của Nesyamun, một xác ướp Ai Cập hơn 3.000 năm tuổi.

Xác ướp Nesyamun. (Ảnh: Bảo tàng và Thư viện Leeds).
Xác ướp Nesyamun. (Ảnh: Bảo tàng và Thư viện Leeds).

Xác ướp 3.000 năm tuổi của một thầy tế Ai Cập vừa được trường Đại học Royal Holloway (London) nghiên cứu và tái tạo lại thành công giọng nói lúc sinh thời. Nghiên cứu của trường Đại học Royal Holloway sử dụng các thông số khi đo kích thước phần dây thanh quản của xác ướp, từ đó tính toán và tái tạo lại được giọng nói trước đây của thầy tế này.

Xác ướp của thầy tế tên Nesyamun (căn cứ theo những chữ khắc trên quan tài) được cho là mang chức vụ thầy tu tế cấp cao (waab – High Priest) sống vào thời cai trị của pharaoh Ramses XI (1099-1069 trước Công Nguyên). Thầy tế này thờ phụng tại đền Karnak ở Thebes.

Tương tự với những giáo sĩ hiện nay, giọng nói là một phần rất quan trọng trong công việc hàng ngày của Nesyamun, bao gồm việc đọc những lời khấn và hát các đoạn kinh cầu. Các nhà khoa học ở bệnh viện đa khoa Leeds đã đo đạc, tính toán và in 3D phần thanh quản của xác ướp, từ đó tái tạo lại được giọng nói có độ trùng khớp cao nhất với giọng thật của xác ướp khi còn sống. Quá trình nghiên cứu và đo đạc đã trải qua không ít khó khăn do xác ướp đã mất đi gần hết các mô mềm, tuy nhiên cuối cùng các nhà khoa học đã thành công.

Tiếp đến, bản sao được kết nối với thanh quản nhân tạo và loa chuyên dụng để tạo ra giọng nói điện tử. Theo thời gian, lưỡi của xác ướp bị teo và mất đi vòng miệng mềm nên các nhà nghiên cứu phải bổ sung.

Nếu đúng theo lý thuyết, giọng nói thu được của Nesyamun trước khi chết sẽ là “ao” hoặc “argh”, trong khi giọng nói thu được là “eh”.

Khi tìm hiểu kỹ hơn, Giáo sư David Howard, đồng tác giả nghiên cứu, trưởng khoa kỹ thuật điện tử Royal Holloway, Đại học London biết được đó là âm thanh mô phỏng Nesyamun nằm trong quan tài và sau khi ướp xác chứ không phải giọng nói thực tế khi ông còn sống.

Với kích thước thanh quản và đường hô hấp, giọng nói của Nesyamun có tông cao hơn so với đàn ông trung bình hiện nay.

Theo bà Joann Fletcher, Giáo sư môn Khảo cổ đang giảng dạy tại trường Đại học York và cũng là đồng nghiên cứu dự án, ước muốn của các thầy tế là “được tiếp tục truyền đạo ở thế giới bên kia”, và trên quan tài cũng ghi rõ ràng đây là những gì mà thầy tế Nesyamun mong muốn. Giáo sư Joann Fletcher còn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để tái tạo lại những từ ngắn và sau đó là các câu nói hoàn chỉnh để ghép vào giọng nói vừa được tái tạo.

Là một linh mục, giọng nói của Nesyamun rất quan trọng bởi ông phải nói chuyện, hát và tụng kinh trong các nghi thức ngoài việc mang hương và ghi chép tại đền thờ Karnak ở Thebes. Sau khi chết, giọng nói với ông cũng rất cần thiết.

“Người Ai Cập hy vọng sau khi chết, linh hồn của họ có thể nói chuyện để đọc Negative Confession, báo cáo các vị thần rằng họ đã có cuộc sống tốt. Chỉ khi các vị thần đồng ý, linh hồn người quá cố mới đi vào cõi vĩnh hằng. Ngược lại, họ sẽ chết lần thứ 2 và đó là cái chết vĩnh viễn”, chuyên gia khảo cổ học Joann Fletcher, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ.

Fletcher nói thêm rằng những ai được vị thần chấp nhận sẽ được gọi là “lời nói chân thật” (true of voice - cụm từ được khắc trong quan tài của Nesyamun).

Prof John Schofield, đồng tác giả nghiên cứu cho biết phương pháp này có thể áp dụng cho xác ướp khác, chẳng hạn như xác ướp từ thời kỳ đồ sắt ở Đan Mạch.

Howard tiết lộ nhóm của ông đang muốn phát triển mô hình máy tính cho phép di chuyển đường hô hấp để tạo ra những âm thanh khác nhau, thậm chí là một từ có nghĩa được nói ra khi còn sống.

Việc tái tạo giọng nói xác ướp Nesyamun mang đến cái nhìn sâu sắc về thời kỳ cổ đại, bước đột phá trong cách chúng ta kết nối với quá khứ.

Nghiên cứu cũng cho biết Nesyamun chết ở độ tuổi khoảng trên dưới 50, bị viêm lợi và hư răng rất nặng. Xác ướp hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Leeds (Yorkshire, Anh).

XUÂN NGUYỄN

(Tổng hợp)

.
.
.