.

EU tìm kiếm lãnh đạo mới trong bất đồng

Cập nhật: 16:24, 02/06/2019 (GMT+7)

Kết quả đầy bất ngờ và làm rung chuyển các liên minh truyền thống trong của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mới đây đã khiến cuộc đua vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ tạo ra cuộc đua “nghẹt thở” bởi các đảng sẽ phải liên minh để giành đa số tuyệt đối.
Vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ tạo ra cuộc đua “nghẹt thở” bởi các đảng sẽ phải liên minh để giành đa số tuyệt đối.

Hiện tại, dù chiến dịch này vẫn chỉ đang ở vòng khởi động, nhưng chính lãnh đạo các “đầu tàu” của khối lại vấp phải những bất đồng sâu sắc trong việc đặt ra tiêu chuẩn cho người kế nhiệm Chủ tịch Jean Claude Juncker.

Ngày 29-5 (giờ Việt Nam), một cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức giữa lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels, nhằm thảo luận về việc phân chia các vị trí quyền lực bao gồm chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay vị trí Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh châu Âu.

Tuy nhiên, mâu thuẫn đáng chú ý nhất tính tới thời điểm hiện tại chính là việc lựa chọn người giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu thay cho ông Jean Claude Juncker. Nước Đức muốn giữ cơ chế “spitzenkandidat”, có nghĩa là lực lượng chính trị nào đứng đầu Nghị viện châu Âu thì người của lực lượng đó sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Ngay sau khi kết quả bầu cử Nghị viện được công bố hôm 27-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ ông Manfred Weber, một chính trị gia người Đức (46 tuổi) và hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện.

Cơ chế “spitzenkandidat” từng được sử dụng hồi năm 2014 để bầu ông Jean Claude Junker làm Chủ tịch và được các nghị sĩ đánh giá thể hiện sự lựa chọn dân chủ hơn. Tuy nhiên, phản bác lại tuyên bố của Berlin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu hủy bỏ cơ chế này. Ông Macron nhấn mạnh rằng, người kế nhiệm của ông Jean Claude Juncker có thể làm nam hoặc nữ, nhưng cần có khả năng thu hút bằng một kế hoạch sáng tạo. Các chuyên gia cho hay, Chính phủ Pháp hiện đang phản đối ông Manfred Weber giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu vì lo ngại một chính trị gia người Đức nắm giữ cương vị này sẽ tạo nên các ảnh hưởng bất lợi đến Pháp, nước hiện đang có nhiều khác biệt trong quan điểm cải tổ EU so với Đức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn việc lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu phải được đưa ra thảo luận công khai ở Hội nghị Thượng đỉnh khối. Một số ứng viên được ông Macron nêu tên là Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, người Hà Lan và là ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ xã hội (ESP) hay bà Margrethe Vestager, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, người Đan Mạch, ứng cử viên của nhóm đảng Dân chủ tự do.

Đáng chú ý, ông Macron còn nêu tên ông Michel Barnier, người Pháp và hiện là Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU. Ngày 29-5, bà Angela Merkel thông báo đã có cuộc thảo luận song phương với Tổng thống Pháp về các bất đồng, nhưng không tiết lộ cụ thể tình hình.

Được biết, trong cuộc Thượng đỉnh không chính thức nêu trên, lãnh đạo các nước thành viên EU đã thống nhất sẽ chốt tên của ứng viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào 2 ngày 21 và 22-6 tới.

Phức tạp và khó đoán theo quy định của các hiệp ước EU, Hội đồng châu Âu gồm lãnh đạo 28 quốc gia thành viên sẽ chỉ định Chủ tịch Ủy ban châu Âu, sau đó Nghị viện mới gồm 751 thành viên sẽ xem xét phê chuẩn sự lựa chọn của họ.

Giới quan sát đánh giá, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 tuy chưa tạo ra cú “lội ngược dòng” nhưng cũng đủ để thay đổi tương đối mạnh cán cân quyền lực giữa các lực lượng chính trị tại châu Âu. Do đó, cuộc cạnh tranh vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ rất quyết liệt bởi hai lực lượng chính là các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và các đảng Dân chủ - Xã hội (ESP) đã không còn giữ được đa số tuyệt đối, mà đều để mất từ 30 đến 40 ghế so với cuộc bầu cử cách đây 5 năm.

Kết quả mà Nghị viện châu Âu công bố cho thấy, EPP theo đường lối bảo thủ giành được 180 ghế và ESP đạt 146 ghế. Vì vậy, các lực lượng này chắc chắn sẽ phải đi tìm kiếm liên minh, ít nhất với 3 hoặc thậm chí là 4 nhóm đảng để có đa số vững chắc (376/751 phiếu ủng hộ) chứ không phải là 2 đảng như trước đây.

Ngoài ra, một Nghị viện châu Âu phân mảng như hiện nay cũng đồng nghĩa với việc tìm kiếm đồng thuận sẽ càng phức tạp hơn và mọi sự thỏa hiệp sẽ trở nên khó đoán định. Theo kế hoạch, Nghị viện châu Âu khoá mới sẽ có phiên họp đầu tiên vào ngày 2-7 và sẽ chính thức thảo luận việc lựa chọn người thay thế ông Jean Claude Juncker từ ngày 1-11.

LINH ĐAN

.
.
.