.

11 người thiệt mạng vì xếp hàng chờ lên đỉnh Everest

Cập nhật: 14:20, 31/05/2019 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 1 tuần (từ 18 đến 25-5-2019), đã có 11 nhà leo núi thiệt mạng khi đang “xếp hàng” chờ đến lượt mình đặt chân lên ngọn Everest cao 8.848m. Có người chết khi chỉ còn cách đỉnh núi 10m. Tất cả đều cùng một nguyên nhân là phù não, phù phổi do say độ cao cấp tính.

Một trong những người sống sót là bác sĩ người Mỹ Dohring, đến từ bang Arizona. Sau đây là câu chuyện của ông kể về tấn thảm kịch này.

CON ĐƯỜNG TỬ THẦN

Như thường lệ, cứ vào cuối tháng 4 cho đến hết tháng 5, nhiều nhà leo núi từ khắp nơi trên hành tinh lại đổ về Nepal với ước mơ chinh phục “nóc nhà thế giới”. Đó là đỉnh Everest (người Nepal gọi nó là Chomolangma), nằm ở độ cao 8.484m so với mực nước biển. Bác sĩ Dohring nói: “Hầu hết trong số họ đều đi theo con đường mà năm 1953, Sir Edmund Hillary, người New Zealand và Tenzing Norway, người Nepal, đã dùng để chinh phục Everest nhưng nếu tính bình quân thì hàng năm, chỉ khoảng 30% là thành công”. 70% những người thất bại đều rơi vào tình trạng không chịu nổi áp suất không khí, thiếu sức khỏe, oxy dự trữ mang theo không đủ vì gặp phải những trận bão tuyết lớn khiến thời gian leo núi kéo dài hơn so với dự tính, người dẫn đường lên núi (tiếng Nepal gọi là Sherpa) thiếu kinh nghiệm…

Riêng năm nay, đã có 381 giấy phép được Tổng Công ty Du lịch Nepal cấp cho các nhà leo núi - một con số kỷ lục so với năm ngoái là 207 giấy phép! Giá của mỗi giấy phép cũng không hề rẻ: 11.000 USD, chưa kể những chi phí khác như mua sắm lều trại, quần áo, giày đi trên băng, thức ăn, bình oxy dự trữ, thuốc chống say độ cao, thuê mướn Sherpa dẫn đường…

Khởi hành sáng 15-5 từ Trại căn cứ (Base camp) nằm ở độ cao hơn 5.000m, sau 3 ngày nhóm leo núi của bác sĩ Dohring chỉ còn cách đỉnh Everest 30m. Ông nói: “Trước mặt tôi là một dòng người rồng rắn xếp thành hàng dài, chở đến lượt mình đặt chân lên nóc nhà thế giới. Do diện tích đỉnh núi chỉ rộng khoảng 2 bàn bóng bàn nên tối đa mỗi lần chỉ 15 người được phép lên, và cũng chỉ được phép ở lại trên đó 15 phút chụp ảnh kỷ niệm”. Những người còn lại phải chờ trung bình 1 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình.

1 tiếng đồng hồ ở độ cao 8.458m, nơi nhiệt độ luôn ở mức từ 19 đến 30 độ dưới âm vào mùa hè nên thảm kịch đã xảy ra. Bác sĩ Dohring kể: “Một nhà leo núi từ trên đỉnh bám theo sợi dây dẫn đường mà những Sherpa đã giăng sẵn, đi xuống. Ngang qua tôi, tôi thấy da mặt anh ấy tái xám (sau này bác sĩ Dohring mới biết tên người này là Robin Haynes Fisher). Xuống được 150m, đột nhiên Fisher đổ vật ra. Một Shepa dẫn đường cố gắng đỡ Fisher dậy rồi kiểm tra bình oxy đeo trên lưng Fisher nhưng anh ấy đã chết”.

Một tuần trước khi chết, trên tài khoản Instagram của mình, Fisher đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng quá tải: “Chỉ có một đường duy nhất lên đỉnh và sự chậm trễ do quá đông người có thể gây tử vong. Vì vậy, tôi quyết định dời lại đến ngày 25-5 với hi vọng sẽ có ít người hơn, trừ khi những người khác cũng dời ngày lên núi giống tôi”.

Nạn nhân thứ 2 là Irishman Kevin Hynes, 56 tuổi. Do không đủ sức khỏe để leo lên đến đỉnh nên Hynes đã quay xuống rồi dựng lều ở độ cao 7.000m. Ông chết khi đang ngủ. Đến chiều, một Sherpa dẫn đường là Dhurba Bista, 33 tuổi, chết khi đưa nhà leo núi người Ấn Độ là Anil Bhattareai trở về Trại căn cứ nhưng Anil Bhattareai cũng không qua khỏi.

Theo bác sĩ Dohring, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tử vong, thứ nhất là bệnh say độ cao “Altitude Sickness – AS”. Bác sĩ Dohring nói: “Bệnh xảy ra khi người ta leo đến độ cao từ 1850 đến 5.895m. Khi ấy, cơ thể họ sẽ xuất hiện những hiện tượng như buồn nôn, nôn, chóng mặt, lờ đờ giống say rượu, phản xạ tri giác, vận động kém”.

Trường hợp thứ 2 là bệnh “Say núi cấp tính - Acute Mountain Sickness - viết tắt là AMS”, xảy ra khi người ta leo cao hơn 6.000m. Ở độ cao này, hiện tượng thường gặp là “Phù não do độ cao – High Altitude Cerebral Edema - HACE”, và “Phù phổi do độ cao – High Altitude Pulmonary Edema - HAPE” với các triệu chứng như mất nhận thức về không gian, thời gian, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, ho, miệng sùi ra những bọt máu màu hồng. Để tránh tử vong hoặc liệt toàn thân hay bán thân, họ phải lập tức xuống thấp dưới 1.500m hoặc phải được điều trị ngay tức thời bằng các loại thuốc như Acetazolamide, Dexamethasone… 1 phụ nữ Ấn Độ là bà Anjali Kulkarni chết khi vừa đặt chân lên đỉnh núi còn ông Donald Lynn Cash, người Mỹ chết khi bắt đầu xuống núi. Cả hai đều gặp phải chứng phù phổi. Một nhà leo núi Ấn Độ khác là Ravi Kuma chết vì rơi xuống 1 vực sâu hơn 200m còn Christopher John Kulish, 61 tuổi, luật sư người Mỹ, sau khi lên đến độ cao 8.450m - nghĩa là chỉ còn cách đỉnh 30m thì chết vì phù não cấp. Ông là nạn nhân thứ 11 trong mùa leo núi năm nay.

Nạn nhân Fisher, ảnh chụp ở Trại căn cứ trước khi thiệt mạng trên đỉnh Everest.
Nạn nhân Fisher, ảnh chụp ở Trại căn cứ trước khi thiệt mạng trên đỉnh Everest.

VÌ SAO THẢM HỌA LẠI XẢY RA?

Khi 11 nhà leo núi tử nạn, người ta mới nhận ra rằng cả trăm người xếp hàng để chờ lên đỉnh Everest rồi sau đó chờ xuống ngay tại khu vực được gọi là “ngưỡng độ cao của bệnh say núi cấp tính” trong điều kiện lạnh buốt, thân nhiệt hạ, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ. Bác sĩ Dohring nói: “Càng mất nhiều thời gian ở trên ấy, nguy cơ chết càng lớn, nhất là với những người bị say độ cao nhưng không thể xuống núi kịp thời vì lối đi duy nhất đã bị dòng người xếp hàng chiếm chỗ”. Chưa kể để lên được đỉnh núi, các nhà leo núi phải cân nhắc từng gam cân nặng trong hành lý của mình, hệ quả là nhiều người chỉ mang các bình oxy đủ để lên đến đỉnh núi và quay xuống độ cao nơi họ có thể hít thở bình thường. Vì vậy, mắc kẹt 1 giờ là đồng nghĩa với cái chết.  Bác sĩ Dohring nói tiếp: “Khi tình trạng ùn ứ xảy ra, nhiệt độ ở mức âm 30 độ C. Nhiều người bắt đầu tỏ ra hoảng sợ. Lúc ấy, chẳng ai có thể giúp được ai”. Trên đường xuống núi, bác sĩ Dohring nhiều lần phải bước qua những xác chết. Ông nói: “Thật kinh khủng. Khó mà diễn tả được những gì tôi đã nhìn thấy”.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là năm nay, số lượng giấy phép leo núi được Tổng Cục du lịch Nepal cấp khá nhiều so với mọi năm. Theo bác sĩ Dohring, lẽ ra Công ty Arun Treks và Công ty Fly By Night - là 2 đơn vị chuyên tổ chức các tour leo núi Everest phải đánh giá được tình hình này và có kế hoạch phân chia các nhà leo núi thành từng nhóm nhỏ, khởi hành cách nhau ít nhất 2 tiếng đồng hồ để tránh tình trạng dồn ứ nhưng dưới sức ép của “khách hàng”, tận dụng khoảng thời tiết tốt nhất trong năm, ai cũng muốn lên trước nên đã xảy ra thảm họa. Bác sĩ Dohring nói: “Công ty Fly By Night hiện đang sử dụng những người dẫn đường (Sherpa) thiếu kinh nghiệm, gây nguy hiểm cho các nhà leo núi, nhất là ở khoảng cách 300m cuối cùng”. Nhà hướng dẫn leo núi Adrian Ballinger cho biết rất nhiều người coi việc chinh phục Everest là “thử thách cuối cùng”. Tuy nhiên, lắm người chưa đủ kinh nghiệm cũng cố lên đỉnh Everest cộng với việc thương mại hóa môn thể thao mạo hiểm đã dẫn đến bi kịch là nhiều người đánh đổi mạng sống của mình chỉ để lên được nóc nhà thế giới.

Trả lời phỏng vấn của một số tờ báo và kênh truyền hình hôm chủ nhật 26-6, ông Danduraj Ghimire, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nepal nói: “Nếu bạn thật sự muốn giới hạn số lượng các nhà leo núi thì cách tốt nhất là chấm dứt các tour lên núi thánh của đất nước chúng tôi…”.

VŨ CAO (Theo Asia News)

 

.
.
.