.

DN Nhật Bản lên kế hoạch rời Trung Quốc

Cập nhật: 18:06, 03/06/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều DN Nhật Bản lên kế hoạch di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong bối cảnh khả năng cạnh tranh giảm do mức thuế cao mà Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Công ty sản xuất máy tính Casio đã bắt đầu xây dựng kế hoạch để chuyển các cơ sở sản xuất đồng hồ, trong đó có dòng đồng hồ đeo tay G-Shock và dụng cụ âm nhạc từ Trung Quốc sang Thái Lan và Nhật Bản. Theo ước tính, Casio có thể bị thiệt hại khoảng 700 triệu yen (1 USD= 108,3 yen) từ hoạt động kinh doanh đồng hồ nếu tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, do mức thuế mà Mỹ áp đặt lên mặt hàng này. Mức thiệt hại sẽ giảm 50% nếu Casio chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác trong khu vực. Trong khi đó, công ty sản xuất máy in Ricoh đã quyết định chuyển các dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng sản xuất cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan vào mùa Hè này.

“Nối gót” Ricoh, tập đoàn sản xuất hàng điện tử gia dụng Sharp có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất máy in đa chức năng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sang miền Trung Thái Lan. Hiện tại, phần lớn máy in mà Sharp sản xuất ở Giang Tô đều xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo ước tính của Sharp, sản lượng máy in phải chịu mức thuế mới mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 100.000 chiếc, chiếm khoảng 20% sản lượng hàng năm của Sharp trên toàn cầu. Vì vậy, Sharp sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu tiếp tục duy trì cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia Review, Sharp sẽ chỉ chuyển dần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan theo nhiều giai đoạn, bắt đầu từ cuối năm 2019.

Trước đó, tập đoàn Hon Hai Precision Industry, công ty mẹ của Sharp, đã quyết định sẽ chuyển một phần sản lượng thiết bị viễn thông từ Trung Quốc đại lục sang vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), do lo ngại về cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Fast Retailing Co., công ty đang điều hành chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo, đang thảo luận về việc tăng sản lượng quần áo ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á như Việt Nam và Bangladesh. Hiện tại, Fast Retailing Co. đang bán sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cho 50 đại lý ở Mỹ.

Panasonic Corp. đã chuyển một phần sản lượng thiết bị nghe nhìn và một số thiết bị khác trang bị trên ôtô từ Trung Quốc sang các nhà máy ở Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, một số công ty khác của Nhật Bản vẫn đang lưỡng lự khi quyết định liệu có nên chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc hay không do lo ngại về chi phí di chuyển cơ sở sản xuất và tái xây dựng hệ thống cung ứng. Nintendo là một ví dụ như vậy. Hiện tại, công ty này xuất khẩu khoảng 40% thiết bị chơi game Nintendo Switch sản xuất tại Trung Quốc sang các thị trường Bắc Mỹ và Nam Mỹ, trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Giá nhập khẩu Nintendo Switch vào thị trường Mỹ có thể tăng lên 25% với mức thuế suất mới mà Washington áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Nitendo không thể di chuyển cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc vì các thiết bị chơi game này do một công ty có trụ sở Đài Loan sản xuất theo sự ủy quyền của Nintendo.

Trong khi đó, Kyocera cũng đang nghiên cứu khả năng chuyển một phần sản lượng máy in đa chức năng từ Trung Quốc sang Việt Nam - một trong hai công xưởng sản xuất chính của tập đoàn này trên thế giới cùng với cơ sở sản xuất ở TP.Quảng Châu, Trung Quốc. Doanh số bán thiết bị văn phòng của Kyocera trong tài khóa 2018 là 375 tỷ yen, trong đó khoảng 25% đến từ thị trường Mỹ.

Dự kiến, việc di chuyển mất khoảng 6 tháng, song khó khăn với Kyocera là cơ sở sản xuất của Kyocera ở Việt Nam chỉ có thể một số dòng máy in.

ĐÀO TÙNG

.
.
.