"Vành đai và Con đường" - những tác động đến Việt Nam
Theo chính phủ Trung Quốc, diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” (BRI) được tổ chức để tăng cường sự kết nối trong khu vực bằng cách thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra những mạng lưới trên đất liền và trên biển nối giữa Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ nhằm tăng cường sự kết nối giữa các sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và “Vành đai và Con đường” trong thời gian Tập Cận Bình thăm Việt Nam năm 2017. Sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” được đề xuất vào năm 2004 để tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, chính trị gia và các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu đều cho rằng những nước tham gia BRI có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị vì những nước này sẽ trở thành các con nợ của Bắc Kinh và thậm chí mất đi các nguồn tài nguyên cũng như bị Trung Quốc theo dõi. Tuy nhiên, tháng 4-2018, Tập Cận Bình tuyên bố đã có hơn 80 quốc gia và tổ chức tham gia BRI và rằng Trung Quốc cam kết đầu tư 126 tỷ USD vào sáng kiến này.
Tháng 2-2018, Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Việt Nam và điều này làm gia tăng lo ngại rằng Việt Nam sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho thấy các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam và ít chú ý đến chuyển giao công nghệ. Theo tạp chí Tự động hoá Công nghiệp hàng đầu Việt Nam IAVietnam, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài từ Bắc đến Nam của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Bàn về BRI, Giáo sư Tương Lai nói: “Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát hay có cổ phần kiểm soát đối với ít nhất 76 cảng biển ở 35 quốc gia. Bỏ qua tuyên bố của Bắc Kinh rằng những cảng biển này chỉ dành cho mục đích thương mại, các tàu hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc vẫn qua lại đây. Bắc Kinh cũng không che giấu việc xuất khẩu mô hình chính trị của Trung Quốc sang những nơi này.Ví dụ, 8 quốc gia châu Phi, cũng như ở một số nước Đông Nam Á và Mỹ Latinh, các quan chức Trung Quốc đang huấn luyện đối tác của họ quản lý ổn định chính trị bằng biện pháp tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và mạng Internet. Họ chẳng ngần ngại nói trắng ra “mô hình Trung Quốc là lựa chọn mới cho những nước muốn đẩy nhanh sự phát triển trong khi vẫn giữ được độc lập của mình”. Chỉ ngần ấy chuyện cũng nói lên được rằng vì sao hiện nay, một bộ phận dân chúng và nhiều chính khách, các nhà trí thức có tên tuổi trên những nước mà BRI nhắm vào đã hoặc tẩy chay, hoặc lên tiếng phản đối, vạch mặt ý đồ đen tối của Bắc Kinh”.
Tờ foreignaffairs.com cho rằng BRI không chỉ là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc gieo rắc hạt giống hợp tác kinh tế, mà như Tập Cận Bình đã nói rõ, Trung Quốc coi dự án đó là một phương tiện để “cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu” và đưa ra một “cộng đồng chung vận mệnh”. Dự án này nằm ở cốt lõi chiến lược lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nghĩa là giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ nó.
Theo TTXVN