.

Thế giới tiếp tục lên án loạt vụ tấn công, bày tỏ tình đoàn kết với Sri Lanka

Cập nhật: 17:12, 22/04/2019 (GMT+7)

Ngày 22-4, giới chức Sri Lanka đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm được áp đặt trên toàn quốc sau khi xảy ra loạt vụ tấn công tại các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở nước này trước đó một ngày khiến khoảng 800 người thương vong.

Lệnh giới nghiêm, có hiệu lực từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau hằng ngày, đã được dỡ bỏ sáng sớm 22-4. Nhiều người bị mắc kẹt ở sân bay quốc tế Bandaranaike ở thủ đô Colombo đã bắt đầu trở về nhà. Tuy nhiên, hiện vẫn chỉ có lác đác một số phương tiện lưu thông trên đường phố vốn đông đúc ở Colombo.

Theo các nhân chứng, các binh sỹ được trang bị súng tự động vẫn đứng gác bên ngoài các khách sạn lớn và Trung tâm Thương mại thế giới ở Colombo - nơi hứng chịu 4 vụ tấn công khủng bố nhằm vào các khách sạn trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần qua. Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka vẫn duy trì biện pháp phong tỏa các trang mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, trong đó có Facebook và Whatsapp, để tránh việc phát tán các thông tin sai lệch.

Cùng ngày, cảnh sát Sri Lanka cho biết cuộc điều tra loạt vụ nổ ở quốc gia Nam Á này sẽ tập trung xem xét những báo cáo cho rằng cộng đồng tình báo đã không thể phát hiện hoặc cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ tấn công liều chết trước khi thảm kịch trên xảy ra. Trước đó, 2 bộ trưởng trong chính phủ Sri Lanka đã đề cập tới những yếu kém trong năng lực của tình báo nước này. Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Viễn thông Sri Lanka Harin Fernando cho biết một số nhân viên tình báo đã nhận được cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, nhưng đã phớt lờ và không lập tức hành động. Trong khi đó, Bộ trưởng Hòa hợp dân tộc Mano Ganeshan cho hay các nhân viên an ninh của bộ này đã được bộ phận an ninh cảnh báo khả năng xảy ra 2 vụ đánh bom liều chết nhằm vào các chính trị gia. Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-4 đưa ra cảnh báo nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ khủng bố tại Sri Lanka, theo đó, các phần tử khủng bố có thể tấn công các địa điểm du lịch, hệ thống giao thông, cửa hàng...

Hàng loạt vụ nổ đã xảy ra tại Sri Lanka trong ngày 21-4, trong đó 6 vụ xảy ra gần như đồng thời vào buổi sáng và 2 vụ xảy ra vào buổi chiều. Tính tới thời điểm này, ít nhất 290 người đã thiệt mạng và khoảng 500 người khác bị thương trong thảm kịch đẫm máu trên. Theo các thông tin ban đầu, trong số nạn nhân có hàng chục người nước ngoài, trong đó có công dân của các nước Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.

Một ngày sau loạt vụ tấn công tại các nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka khiến hàng trăm người thương vong, các tổ chức và các nước trên thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ hành vi tàn bạo này cũng như bày tỏ tình đoàn kết với Sri Lanka. TTK LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự phẫn nộ trước loạt vụ tấn công trên đúng vào ngày lễ Phục sinh của tín đồ Thiên Chúa giáo, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân, người dân và chính phủ Sri Lanka. Đại diện cấp cao của Liên minh Các nền văn minh Liên hợp quốc (UNAOC) Miguel Moratinos cũng lên án loạt vụ nổ trên bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất, nhấn mạnh các hành vi tàn bạo này không thể ngăn cản thế giới giữ vững lập trường chung chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Hồi giáo (ISESCO) cũng ra tuyên bố chỉ trích các vụ đánh bom tại Sri Lanka là “tội ác chống lại loài người, cho thấy một bộ mặt xấu xí của chủ nghĩa khủng bố và sự thù hận”.

Từ Vatican, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho những nạn nhân trong vụ việc mà ông cho là “bạo lực tàn ác”, đồng thời bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới cộng đồng Công giáo cũng như tất cả nạn nhân các vụ nổ ở Sri Lanka.

PHƯƠNG OANH

.
.
.