.

Tân Nhật hoàng Naruhito - vị hoàng đế của những điều khác biệt

Cập nhật: 16:12, 24/04/2019 (GMT+7)

Thái tử Naruhito, sẽ trở thành Nhật hoàng vào ngày 1-5, nổi tiếng là người hiếu học và nghiêm túc. Ông đã giành được trái tim cựu nhân viên ngoại giao Masako bằng lời hứa sẽ bảo vệ bà trọn đời.

Gia đình Thái tử Naruhito năm 2017. Ảnh: Kyodo
Gia đình Thái tử Naruhito năm 2017. Ảnh: Kyodo

Theo hãng tin Reuters, ông Naruhito, 59 tuổi, không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên sinh ra sau thời Thế chiến thứ hai và là người đầu tiên được bố mẹ tự tay nuôi dạy thay vì phải sống cách biệt từ khi lọt lòng và giao cho vú nuôi chăm sóc. Đặc biệt, ông cũng là Nhật hoàng đầu tiên tốt nghiệp một trường đại học cũng như theo đuổi những nghiên cứu tiên tiến ở nước ngoài. Thái tử Naruhito sẽ tiếp quản ngôi Hoàng đế từ cha là Nhật hoàng Akihito – người sẽ thoái vị vào ngày 30-4 và trở thành vị vua Nhật Bản đầu tiên thoái ngôi trong gần 200 năm. “Khi tôi nghĩ về chuyện sắp tới, tôi cảm thấy rất trang trọng”, Thái tử Naruhito chia sẻ tại sự kiện.

VỊ HOÀNG ĐẾ CỦA NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

Thái tử Naruhito là con trai lớn trong ba người con của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ông được mẹ nuôi dưỡng, đi học trường quốc gia thay vì truyền thống giao cho vú nuôi chăm sóc từ sơ sinh cũng như học tập ngay trong cung điện. Hoàng hậu Michiko thậm chí còn tự tay làm cơm trưa cho con đến trường nhằm khiến gia đình hoàng gia trở nên gần gũi hơn với người dân.

Sau khi nhận tấm bằng cử nhân Lịch sử tại Đại học Gakushuin ở Tokyo năm 22 tuổi, ông đến Anh để học thạc sĩ ngành vận tải đường sông châu Âu thời trung cổ tại Đại học Oxford. Quãng thời gian hai năm ở đây được ông trân trọng như những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Ông đã viết cuốn hồi ký “Sông Thames và tôi: Hồi ức hai năm tại Oxford”. Thái tử chính là người đầu tiên trong danh sách kế vị ngai vàng trực tiếp ở Nhật Bản đi du học.

Được bạn bè miêu tả là người có óc hài hước, Thái tử Naruhito từng chụp ảnh tự sướng bằng điện thoại với người dân trong chuyến thăm Đan Mạch cách đây ít năm.

HẾT LÒNG VÌ GIA ĐÌNH

Ông đã từ chối nhượng bộ các quan chức chính phủ khác để chiếm được trái tim của nữ nhân viên ngoại giao Masako Owada tài sắc, sau khi bà “hút hồn” ông tại một buổi tiệc năm 1986. Bà Masako đã hai lần từ chối lời cầu hôn của ông vì muốn theo đuổi sự nghiệp.

Theo tạp chí People, ngay sau khi bà chấp nhận lời cầu hôn lần thứ 3, ông Naruhito đã nói với bà rằng: “Em có thể sẽ sợ hãi và lo lắng về việc gia nhập Hoàng gia. Nhưng anh sẽ bảo vệ em cả đời”.

Cuối cùng, hai người chính thức kết hôn năm 1993. Bà được đánh giá là nhân vật có thể phá vỡ truyền thống trọng nam của Hoàng gia Nhật. Là cựu nhân viên ngoại thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, Công nương Masako mong muốn thúc đẩy hoạt động trao đổi quốc tế thông qua các chuyến thăm chính thức nước ngoài. Tuy nhiên, bà không được đi nước ngoài trong thời gian dài, thay vào đó là bận rộn với công việc trong nước.

Bà hạ sinh Công chúa Aiko năm 2001, song theo luật hoàng gia tồn tại từ cuối thế kỷ 19, phụ nữ không được thừa kế ngai vàng. Vì thế Công nương Masako phải chịu nỗi áp lực ghê gớm mang tên “sinh con trai” nhằm bảo toàn tương lai “cha truyền con nối”. Bà bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn thích ứng ngay năm sau bởi những căng thẳng trong cuộc sống hoàng tộc và áp lực phải sinh con trai.

Theo tờ Japan Times, từ cuối năm 2003, gần 10 năm sau ngày cưới, Công nương Masako gần như biến mất, không xuất hiện trước công chúng. Mãi cho đến thời gian gần đây, bà mới tham gia nhiều sự kiện hơn.

Thái tử đã khiến cả quốc gia phải bất ngờ khi lên tiếng bảo vệ người vợ của mình. “Công nương Masako, từ bỏ công việc ngoại giao để bước vào Hoàng gia, đã rất đau buồn vì không được phép đi nước ngoài thời gian dài”, Thái tử Naruhito phát biểu tại cuộc họp báo tháng 5-2004, “Cô ấy đã làm việc chăm chỉ để thích nghi với môi trường hoàng gia trong 10 năm qua, nhưng theo những gì tôi quan sát được, tôi nghĩ cô ấy đã hoàn toàn kiệt sức vì cố gắng làm điều đó”.

Ông thương vợ mình đã phải gạt nghề nghiệp cũng như cái tôi cá nhân sang một bên để giữ bổn phận là một Công nương Hoàng tộc. Những bộc bạch của Thái tử Naruhito đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi trong công chúng về những vai trò mà phụ nữ nên đảm nhiệm – hoặc được phép đảm nhiệm – dưới các truyền thống hoàng gia mang tính bảo thủ. Em trai của ông và Nhật hoàng Akihito đều phản ứng không hài lòng về tâm sự của Thái tử Naruhito.

Trở thành Nhật hoàng thời hiện đại đầu tiên không sinh con trai, Thái tử Naruhito đã hết lòng chăm lo cho con gái Aiko, năm nay 18 tuổi. Ông cũng ủng hộ đàn ông trở thành những người cha gần gũi với con cái hơn – điều vẫn chưa phổ biến ở xã hội Nhật Bản.

LÝ DO XỨNG ĐÁNG

Thái tử Naruhito, người miệt mài nghiên cứu về môi trường, đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về nước sạch. Năm 2015, ông từng đưa ra góp ý với một ban cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề nước và vệ sinh.

Ông Kenzo Hiroki, cựu nhân viên Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, từng hợp tác nghiên cứu với ông Naruhito tiết lộ với báo Asahi Shimbun rằng mối quan tâm về các vấn đề nước sạch của Thái tử đã hình thành sau khi ông tận mắt chứng kiến cảnh tượng phụ nữ và trẻ em phải xếp hàng để hứng nước tại Pokhara, Nepal năm 1987.

Về phần Công nương Masako, mối quan tâm của bà là trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những em bị lạm dụng hoặc sống trong nghèo đói ở Nhật Bản.

“Khi tôi nghĩ về những ngày trước mắt, tôi không rõ mình sẽ có ích thế nào”, bà Masako phát biểu nhân ngày sinh nhật 54 tuổi năm ngoái, “Nhưng sau khi ở bên cạnh Nhật hoàng và Hoàng hậu trong những năm qua và nhìn theo chỉ dẫn tương lai của người, tôi sẽ nỗ lực hết sức để trợ giúp Thái tử và làm việc vì hạnh phúc của quốc gia”.

HOÀNG TRANG

.
.
.