Chính phủ Nhật Bản ngày 1-4 đã thông báo triều đại mới của nước này dưới thời Nhật hoàng Naruhito sẽ có niên hiệu là Reiwa (Lệnh Hòa). Ít ai biết được để có được cái tên chính thức Reiwa này, giới chức lãnh đạo Nhật Bản đã trải qua cả tháng trời tìm hiểu, nghiên cứu và bình chọn theo một quy trình cực kỳ nghiêm ngặt.
Chánh Văn Phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố niên hiệu cho triều đại mới, bắt đầu từ 1-5. |
Trước hôm công bố, khi một nhóm đại diện các ngành thảo luận danh sách gồm các niên hiệu đề cử trong một cuộc họp riêng tại Văn phòng Thủ tướng, điện thoại bị tịch thu, sóng radio bị chặn và họ tạm thời bị cách ly hoàn toàn cho đến khi cuộc họp kết thúc. “Chúng tôi cố gắng hết sức để bảo mật niên hiệu mới. Xét về mặt niên hiệu mới là một điều gì đó cực kỳ quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của người dân Nhật Bản, tôi không nghĩ sẽ là hợp lý nếu như nhiều chi tiết về niên hiệu bị rò rỉ trước khi có công bố chính thức”, Chánh Văn Phòng Nội các Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 29-3.
Trên thực tế, quy trình lựa chọn niên hiệu vốn dĩ phải được giữ bí mật trong từng bước. Giữa tháng 3, đội ngũ của Thủ tướng Shinzo Abe đã triệu tập một số học giả tới để nghĩ ý tưởng cho niên hiệu mới. Theo một quan chức cấp cao trong Văn phòng Nội các, nhóm học giả này bao gồm các chuyên gia về văn học cũng như am hiểu lịch sử ngôn ngữ Nhật Bản và Trung Quốc. Tiếp theo, Chánh Văn phòng sẽ là người thu hẹp danh sách mà các học giả nộp lên, kiểm tra từng cái tên một để đảm bảo chúng dễ đọc và dễ viết. Niên hiệu phải bao gồm 2 ký tự, không bị trùng với bất kỳ từ nào có sẵn trong hệ thống chữ viết hiện hành và bao trọn quan niệm được truyền tải.
Chính phủ Nhật Bản cũng cẩn thận tránh lựa chọn tên niên hiệu có chữ cái đầu trùng với 4 niên hiệu trước đó, bao gồm H (Heisei), S (Showa), T (Taisho) và M (Meiji). 4 chữ cái đầu này trước đây được sử dụng trong nhiều văn bản chính thức và hệ thống máy tính. Các quan chức lo ngại nếu sử dụng lặp lại chữ cái sẽ gây ra nhầm lẫn.
Ngày 1-4, bản danh sách rút gọn được chuyển tới một hội đồng gồm các đại diện ngành trước khi cái tên chính thức được lựa chọn. Niên hiệu mới sẽ chính thức được dùng khi Hoàng thái tử Naruhito đăng cơ kế thừa ngai vàng của Nhật hoàng Akihito vào ngày 1-5 tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Suga cho biết, niên hiệu Reiwa được lấy từ văn học cổ điển Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, chữ “Reiwa” có nghĩa là “thuận thiên, thái bình và hòa hợp”. Tên “Reiwa” có nguồn gốc từ một câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là “Vạn Diệp Tập”, được Thủ tướng Abe nhấn mạnh là “quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú” của Nhật Bản. Trong cuốn này, “Reiwa” cũng mang ý nghĩa một mùa Xuân mới, lan tỏa hòa bình.
Như vậy, kể từ 0h00 ngày 1-5, khi Thái tử Naruhito đăng quang ngôi vị Nhật Hoàng, niên hiệu “Reiwa” sẽ thay thế cho niên hiệu “Heisei” (Bình Thành) bắt đầu từ năm 1989. Tại Nhật Bản, các văn bản hành chính, chính sách và hoạt động của người dân hầu hết được tính theo năm của niên hiệu và ít sử dụng năm dương lịch.
Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Meiji (Minh Trị, 1868-1912), Taisho (Đại Chính, 1912-1926) và Showa (Chiêu Hòa, 1926-1989). Niên hiệu của triều đại hiện nay là Heisei, bắt đầu từ ngày 8-1-1989, một ngày sau khi Nhật Hoàng Hirohito băng hà. Năm 2019 là năm Heisei 31, đồng thời cũng sẽ là năm Reiwa 1 sau khi Vua mới lên ngôi.
Theo Chánh Văn phòng Suga, Chính phủ Nhật Bản sẽ không tiết lộ tên của học giả nghĩ ra niên hiệu mới, để tránh trường hợp xảy ra tình trạng xâm phạm đời tư “không phù hợp”.
Phá bức tường bảo mật niên hiệu luôn là ưu tiên hàng đầu của các phóng viên chuyên mảng chính trị tại Nhật Bản. Phần lớn phóng viên muốn mình trở thành người đầu tiên đưa tin về niên hiệu khi rõ ràng niên hiệu trở thành một đề tài thu hút sự chú ý lớn từ dư luận, đặc biệt là lúc một triều đại sắp kết thúc.
Khi triều đại Meiji chấm dứt vào năm 1912, nhật báo Asahi Shimbun là tờ báo đầu tiên tiết lộ niên hiệu cho triều đại tiếp theo, Taisho, một ngày trước khi có thông báo chính thức từ Chính phủ. 14 năm sau, sự cố lại tiếp diễn khi Thiên hoàng Taisho qua đời vào tháng 12-1926. Vào ấn phẩm buổi sáng ngày 25-12 năm đó, tờ Nichi Shimbun - ngày nay có tên gọi là Mainichi Shimbun - đưa tin độc quyền niên hiệu triều đại tiếp theo là Kobun. Chỉ sau đó vài giờ, Chính phủ Nhật Bản thông báo tên gọi chính thức của triều đại là Showa.
“Sự cố Kobun” đã làm danh tiếng và uy tín của tờ báo Mainichi Shimbun bị hủy hoại nặng nề nhất từ trước đến nay. Thậm chí nó còn khiến người sáng lập ra tờ báo, ông Hikoichi Motoyama, phải từ chức. Cho đến ngày nay, vẫn chưa biết được chính xác liệu sự cố năm đó là kết quả của nguồn tin sai hay sự thay đổi phút chót của chính quyền Tokyo.
HỒNG HẠNH