.

Triều Tiên 2018: Những bước ngoặt ngoạn mục

Cập nhật: 16:59, 21/12/2018 (GMT+7)

Bức tranh bán đảo Triều Tiên năm 2018, bắt đầu đổi sang gam màu tươi sáng từ sau sự “tan băng” trong quan hệ liên Triều nhân Olympic mùa Đông PyeongChang, sự kiện đã mở toang cánh cửa cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn một thập kỷ và tiếp đó là 2 cuộc gặp nữa giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một tần suất gặp gỡ nhộn nhịp chưa từng có giữa lãnh đạo hai nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm núi Paekdu ngày 20-9-2018. (Nguồn: Yonhap).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm núi Paekdu ngày 20-9-2018. (Nguồn: Yonhap).

Cùng với những hoạt động đầy tính biểu tượng, lãnh đạo hai bên đã có các cuộc trao đổi thực chất về các vấn đề then chốt liên quan hòa hợp, hòa giải, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình bền vững.

Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên ký ngày 27-4 và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ngày 20-9 là những bước ngoặt đã mở ra chương mới cho hợp tác liên Triều về mọi mặt, cả dân sự, quân sự, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là cam kết của hai bên hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và tạo dựng hòa bình lâu dài. Hai cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cùng các cam kết cụ thể về ký kết thỏa thuận toàn diện giảm căng thẳng quân sự dọc biên giới 2 nước và thỏa thuận đóng cửa các cơ sở hạt nhân, tên lửa… là những điểm sáng mang lại hy vọng cho bước ngoặt lịch sử trên bán đảo Triều Tiên.

Những chuyển động tích cực và đầy lạc quan giữa hai miền Triều Tiên đã tạo tiền đề vững chắc cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện ngoại giao “chấn động” thu hút dư luận quốc tế quan tâm hàng đầu trong năm qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, nguyên thủ hai nước vốn đối địch trong nhiều năm đã cùng ngồi vào bàn đàm phán, kể cả khi Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6 tại Singapore đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, tái định hình chiến lược an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Quan hệ Mỹ-Triều sau cuộc gặp đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng hòa dịu, khi các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn đi kèm với các cam kết đảm bảo an ninh, kinh tế được đưa ra, cùng triển vọng ký kết tuyên bố kết thúc chiến tranh tạo lập hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên. “Cơn lốc xoáy” ngoại giao với một loạt chuyến thăm con thoi ở các cấp từ thấp đến cao, với tần suất liên tục trong năm qua đã đưa khu vực này gần hơn tới mục tiêu hòa bình, hòa giải.

Nhiều bước đi cụ thể đã được thực hiện, như việc Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân quan trọng nhất Punggye-ri, tháo dỡ cơ sở thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongchang-ri và trao trả hài cốt binh lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên… Phía Mỹ cũng đáp lại bằng các quyết định thiện chí như hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từ trước đến nay luôn bị Triều Tiên ví như “tập dượt” cho một cuộc xâm lược nước này.

Tuy nhiên, sự thiếu lòng tin khiến những đột phá đã đạt được có nguy cơ trở lại lối mòn bế tắc. Mới đây nhất, Triều Tiên đã ra tuyên bố chỉ trích Mỹ gia tăng trừng phạt và sức ép, đồng thời cảnh báo quan hệ hai bên có thể trở lại trạng thái đối đầu và tiến trình giải giáp trên bán đảo Triều Tiên có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn.

Những thách thức thực sự vẫn còn đang ở phía trước, bởi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một quá trình dài hơi và không ít chông gai, khi lợi ích và trách nhiệm đan xét giữa nhiều bên. Từ tuyên bố chung chung phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và bù đắp về kinh tế đi đến những thỏa thuận chi tiết về lộ trình, thời gian, tiến độ, công tác thanh sát, kiểm chứng, rồi việc hỗ trợ phát triển kinh tế ra sao hay biện pháp duy trì lòng tin thế nào… còn cả một chặng đường rất dài…

Xét về tốc độ và điều kiện của tiến trình cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, có thể thấy hiện Mỹ và Hàn Quốc đang có sự “vênh” nhau, tuy nhiên cả 2 đồng minh này không dễ dàng hành động đơn phương mà vẫn phải phối hợp các bước đi với nhau. Khi mỗi bên đều đang thúc đẩy những chiến lược riêng của mình thì thái độ lạc quan một cách thận trọng về những tiến triển trên bán đảo Triều Tiên ở thời điểm hiện nay là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh như vậy, một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ là một cột mốc cực kỳ quan trọng giúp định hình các bước đi trong năm 2019 sắp tới. Và để thực sự có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, hòa bình, thịnh vượng, ngoài niềm khát khao, sự quyết tâm và hành động cụ thể, có lẽ còn cần tới lòng kiên trì.

HÙNG DƯƠNG

.
.
.