Ba gia tộc siêu giàu ở châu Á
Có ba gia tộc ở châu Á lọt vào top 25 gia đình giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Bloomberg.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong những thập niên gần đây làm gia tăng đáng kể số lượng người giàu ở châu Á. Trong 4 năm qua, số người có tài sản trên một triệu đôla ở khu vực này cao nhất thế giới, đặc biệt là Trung Quốc - nơi có nhiều tỷ phú hơn Mỹ. Tuy nhiên, lượng tài sản của những gia tộc giàu có nhất châu Á vẫn còn kém xa so với các gia tộc ở Mỹ và châu Âu. Gia đình Walton - người sở hữu một nửa tập đoàn bán lẻ Walmart, vẫn là gia đình giàu nhất thế giới với khối lượng tài sản ròng hơn 150 tỷ USD. Tiếp theo là ba anh em nhà Koch, gia đình Mar - những người sở hữu công ty sản xuất nước giải khát BUD và gia đình Herme sở hữu tập đoàn thời trang Hermes, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg. Chỉ có 3 gia đình châu Á lọt vào top 25 của Bloomberg với tiêu chí không bao gồm thế hệ đầu tiên hoặc công ty do một người duy nhất thừa kế kiểm soát.
Mukesh Ambani - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Reliance Industries.
Ảnh: Anadolu Agency
|
Gia tộc Ambani ở Ấn Độ: 43 tỷ USD
Gia đình giàu có nhất Ấn Độ gây dựng cơ ngơi hàng tỷ USD sau khi Dhirubhai Ambani - con trai một thầy giáo, bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp dệt may ở Mumbai vào những năm 1960, trước khi chuyển sang lĩnh vực hóa dầu.
Kết quả là Reliance Industries - người khổng lồ trong ngành công nghiệp năng lượng, hóa dầu, dệt may, bán lẻ và viễn thông ở Ấn Độ ra đời.
Sau khi Dhirubhai Ambani mất năm 2002, hai con trai của ông là Mukesh và Anil bước vào cuộc đấu đá nội bộ.
Hai anh em tỷ phú thường xuyên xuất hiện trên báo chí với các thương vụ cạnh tranh.
Mới đây, công ty viễn thông của Mukesh đã mua lại công ty của Anil sau một cuộc cạnh tranh giá khốc liệt.
Mukesh là người giàu nhất châu Á, bắt đầu gây chú ý năm 2010, khi chuyển cả gia đình tới ở một tòa nhà 27 tầng có bể bơi, phòng khiêu vũ và uyển viên xây dựng trên ba tầng.
Raymond Kwok là người duy nhất trong số ba anh em vẫn trụ lại ở tập đoàn bất động sản SUHJF. Ảnh: Bloomberg |
Gia tộc Kwok ở Hong Kong: 34 tỷ USD
Gia đình Kwok là chủ tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai Properties (SUHJF) lớn nhất Hong Kong.
Công ty này đã định hình đường chân trời ở xứ Cảng thơm bằng cách xây dựng những tòa tháp cao nhất thành phố.
SUHFJ cũng phát triển quy mô kinh doanh lớn ở thị trường Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, cuộc đời của ba anh em tỷ phú nhà Kwok là Thomas, Raymond Walter như một bộ phim truyền hình kịch tính.
Năm 1997, Walter bị bắt cóc một tuần và chỉ được tự do khi gia đình phải trả hơn 77 triệu USD tiền chuộc.
Hơn 10 năm sau, anh em của Walter ép ông rời bỏ vị trí lãnh đạo công ty.
Năm 2014, Thomas bị kết tội tham nhũng, còn Raymond tiếp quản vị trí chủ tịch.
Lee Jae-yong, “thái tử” của tập đoàn Samsung ước tính có tài sản riêng 7 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg |
Gia tộc Lee ở Hàn Quốc: 31 tỷ USD
Lee Byung-chull đã đặt nền tảng cho đế chế kinh doanh của Samsung năm 1938 khi mở một công ty nhỏ kinh doanh các cửa hàng tạp hóa nhỏ bán hoa quả và cá. Sau nhiều thập niên, công ty của Lee mở rộng sang những ngành công nghiệp khác như dệt may, đóng tàu, tài chính và cuối cùng là điện tử.
Kun-hee, một trong số các con trai của Byung-chull đã kế thừa vị trí của bố sau khi ông qua đời năm 1987. Kun-hee đã đưa Samsung từ một công ty kinh doanh sản phẩm chất lượng thấp sang mặt hàng cao cấp.
Samsung (SSNLF), tập đoàn gia đình trị lớn nhất Hàn Quốc đang là một trong những công ty sản xuất điện thoại di động thông minh, chip máy tính điện tử và các sản phẩm công nghệ lớn nhất thế giới.
Sau khi Kun-hee đột quỵ vì đau tim năm 2014, một trong bốn người con của ông là Jae-yong trở thành người thừa kế. “Thái tử” Jae-yong bị kết tội tham nhũng năm ngoái trong vụ bê bối liên quan tới cựu tổng thống Park Geun-hye.
HỒNG HẠNH