Những vụ bắt cóc gây chấn động lịch sử nước Mỹ
Chỉ riêng ở Mỹ, có khoảng 70 trẻ em mất tích mỗi ngày và hàng ngàn người mất tích mỗi năm; một số bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, số khác bị bắt cóc bởi những tên tội phạm biến thái.
Nạn nhân Steven Stayner và Timothy White. |
Vào ngày 4-12-1972 tại Merced, California, cậu bé Steven Stayner, 7 tuổi, bị một người đàn ông tự xưng là người quyên góp tiền cho nhà thờ tiếp cận. Đây chính là một trong 2 kẻ bắt cóc có tên là Ervin Edward Murphy. Murphy hỏi liệu mẹ của cậu bé có sẵn lòng quyên góp cho nhà thờ không và cậu bé trả lời có. Sau đó hắn đề nghị đưa cậu về nhà và không may là cậu bé đồng ý.
Kể từ đây, 7 năm ác mộng gắn liền với cuộc đời cậu bé bắt đầu. Murphy đưa Stayner tới một ngôi nhà ở Thung lũng Catheys, chỉ cách nhà bà ngoại cậu bé vài trăm mét. Ngay trong đêm đầu tiên, kẻ đồng phạm của hắn Kenneth Parnell đã thực hiện hành vi quấy rối với cậu bé và bắt đầu hãm hiếp cậu sau 2 tuần. Đáng sợ hơn nữa, Parnell cố gắng tẩy não đứa trẻ và thuyết phục cậu rằng bố mẹ cậu không còn yêu cậu nữa. Sau đó Parnell bảo với cậu bé rằng hắn ta là người giám hộ hợp pháp của cậu và cậu phải gọi hắn là “bố”.
Hắn thậm chí còn đặt tên cho cậu là “Dennis Gregory Parnell” và ghi danh cho cậu đi học tại các trường ở California. Đến lúc này, Parnell cho phép cậu con trai mới được uống rượu và tự do di chuyển trong nhà, tuy nhiên cậu bé Stayner vẫn còn quá nhỏ và quá bối rối trước những lời dối trá của hắn nên cậu đã không sử dụng cơ hội quý giá này để chạy trốn.
Một sự việc xảy ra vào tháng 2-1980 đã thay đổi tất cả. Tên tội phạm Parnell cảm thấy Stayner đã quá lớn tuổi và hắn quyết định bắt cóc một đứa trẻ khác có tên Timothy White. Cậu bé 5 tuổi này khóc lóc và cầu xin được thả về nhà. Đó là lúc Stayner biết rằng nếu cậu không hành động, cậu bé này sẽ phải chịu chung số phận như cậu.
16 ngày sau Stayner trốn thoát cùng cậu bé Timothy White đến đồn cảnh sát gần nhất và trình báo vụ việc. Cảnh sát nhanh chóng bắt giữ 2 kẻ bắt cóc nhưng Murphy chỉ phải chịu án tù 2 năm và đáng giận dữ hơn cả là Parnell chỉ phải chịu án tù 5 năm. Tuy nhiên vào năm 2004, hắn đã phải nhận bản án 25 năm tù khi cố gắng mua một bé trai 4 tuổi với giá 500 USD.
Vụ bắt cóc nổi tiếng khác trong lịch sử nước Mỹ là vụ bắt cóc Patty Hearst. Vụ việc này nổi tiếng không chỉ vì nạn nhân là con gái của ông trùm giới truyền thông William Randolph Hearst mà còn vì những sự kiện xảy ra sau vụ bắt cóc. Vào khoảng 9 giờ tối ngày 4-2-1974, có tiếng gõ cửa căn hộ của Hearst. Ngay khi cô mở cửa, một nhóm người có vũ trang tự xưng là Quân đội Giải phóng Cộng hòa (SLA) đã xông vào, hạ gục vị hôn phu của cô và bắt cóc Hearst.
Nhóm phần tử vũ trang này được dẫn đầu bởi Donald DeFreeze tuyên bố căm ghét Chính phủ Mỹ và quyết tâm lật đổ nhà nước tư bản. Hearts được coi là mục tiêu hàng đầu của chúng vì cô tới từ một gia đình giàu có và nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông. Vụ bắt cóc Hearts mang lại cho SLA những gì chúng khao khát: Sự chú ý từ giới truyền thông. Ban đầu chúng yêu cầu khoản tiền chuộc hàng triệu USD dưới dạng quyên góp thực phẩm để thả con tin nhưng sau đó chúng nhanh chóng thay đổi sách lược.
Patty Hearst khi bị bắt cóc. |
Chúng bắt đầu lạm dụng và tẩy não Hearts nhằm mục đích biến cô thành đứa trẻ quảng cáo cho “cuộc cách mạng” của chúng. Chỉ trong vòng 2 tháng, chúng phát hành một đoạn băng ghi âm trong đó Hearts tuyên bố cô gia nhập cuộc đấu tranh, thậm chí cô còn có một cái tên mới. Vào ngày 15-4-1974, mọi người bắt gặp hình ảnh Hearts trên CCTV trong một vụ cướp nhà băng của nhóm SLA. Cô mang súng và dường như sẵn lòng làm kẻ đồng lõa với nhóm cướp có vũ trang này.
FBI nhanh chóng phát động một cuộc truy bắt quy mô lớn để tìm Hearts và nhóm SLA. Một tháng sau vụ cướp, họ tìm thấy nhà an toàn của nhóm SLA tại Los Angeles. Trong cuộc đọ súng sau đó, 6 thành viên của nhóm SLA bị giết trong đó bao gồm cả thủ lĩnh của chúng là DeFreeze.
Tuy nhiên họ vẫn chưa tìm được Hearts, lúc này đã trở thành kẻ tiếp tay cho SLA trong các phi vụ của chúng bao gồm cả việc tống tiền cha cô với số tiền lên đến 2 triệu USD. Cuối cùng FBI cũng đã bắt được Hearts ở San Francisco vào ngày 18-9-1975. Cô bị bắt và bị cáo buộc nhiều tội danh trong đó có tội cướp ngân hàng. Mặc dù luật sư bào chữa cho rằng cô bị ép buộc, tòa vẫn tuyên án cô phải chịu 7 năm tù giam.
Vào tháng 1-2001, Tổng thống Bill Clinton ban lệnh ân xá hoàn toàn cho cô và năm 2002, FBI đã bắt giữ được toàn bộ những thành viên còn lại của SLA. Các nhà tâm lý học cho rằng sự thay đổi hành vi của Hearts là do hiện tượng gọi là Hội chứng Stockholm, theo đó con tin cảm thấy thông cảm với kẻ bắt cóc.
THÙY TRANG