.

Con tàu Titanic được tìm thấy như thế nào?

Cập nhật: 11:35, 31/08/2018 (GMT+7)

73 năm sau khi con tàu Titanic chìm trên vùng biển bắc Đại Tây Dương vì va phải một tảng băng trôi khiến hơn 1.500 người chết, đã có rất nhiều những cuộc tìm kiếm xác tàu nhưng tất cả đều vô vọng vì không ai biết được vị trí chính xác của nó. Mãi đến ngày 1-9-1985, tàu nghiên cứu Knoor do Tiến sĩ Hải dương học Robert Ballard chỉ huy mới phát hiện chiếc Titanic ở độ sâu 4.300m dưới đáy biển. Theo Tiến sĩ Ballard, đó là một nơi yên tĩnh và thanh bình, thích hợp cho sự an nghỉ của một trong những thảm kịch biển lớn nhất mọi thời đại…

Thiết bị lặn điều khiển từ xa Argo chuẩn bị thả xuống đáy biển từ tàu khảo sát Knoor.
Thiết bị lặn điều khiển từ xa Argo chuẩn bị thả xuống đáy biển từ tàu khảo sát Knoor.

PHÚT GIÂY ĐỊNH MỆNH

2 giờ sáng ngày 1-9-1985, Tiến sĩ Robert Ballard vẫn trằn trọc trên chiếc giường trong cabin của con tàu nghiên cứu mang tên Knoor. Cả đêm hầu như ông không hề chợp mắt bởi lẽ gần 2 tuần trước đó, ông đã đưa tàu Knoor cùng nhóm nghiên cứu đến vùng biển bắc Đại Tây Dương - nơi 73 năm trước chiếc Titanic phát đi những tín hiệu cấp cứu cuối cùng - để tìm kiếm nó. Tuy nhiên, mặc dù đã sử dụng một thiết bị lặn điều khiển từ xa có tên Argo, cũng như dùng radar quét đi quét lại hàng chục lần dưới đáy biển nhưng kết quả thu được chỉ là những “cánh đồng cát” mênh mông xen lẫn với những trầm tích. Trong nhật ký hành trình, Ballard viết: “Thời gian đã gần hết mà con tàu mang tính biểu tượng vẫn chẳng thấy đâu. Có lẽ tôi cũng như những người đi trước, sẽ không bao giờ tìm được”.

2 giờ 20, có tiếng gõ cửa rồi người đầu bếp bước vào: “Tiến sĩ  Ballard, ông còn thức không? Đội điều khiển Argo gọi ông. Hình như họ nhìn thấy một cái gì đó”.

Vài phút sau, Ballard có mặt ở cabin chứa các thiết bị ghi hình. Rất nhanh chóng, một kỹ sư trong đội điều khiển Argo mở cho ông xem những gì mà camera của nó đã quay được.  Mặc dù ánh sáng khá yếu vì quay ở độ sâu 4.300m nhưng Ballard vẫn nhận ra những mảng kim loại xù xì rỉ sét và nhất là một vật không thể nhầm lẫn: Đó là chiếc nồi hơi của tàu Titanic. 

Trong giây lát, tiếng reo hò vang lên. Ai đó mở một chai rượu sâm panh nhưng trái tim Ballard thắt lại. Cũng đúng vào giờ này 73 năm trước, hơn 1.500 người đã vĩnh viễn vùi thây dưới làn nước lạnh giá ở biển bắc. Trong nhật ký, ông viết: “Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi đã vui mừng”.

Tiến sĩ Robert Ballard, người tìm ra xác tàu Titanic.
Tiến sĩ Robert Ballard, người tìm ra xác tàu Titanic.

MÒ KIM ĐÁY BIỂN

Không phải mãi đến năm 1985 Tiến sĩ Ballard mới bắt đầu tiến hành việc tìm kiếm chiếc Titanic mà ngay từ năm 1977, bằng con tàu nghiên cứu Knoor, ông đã cùng các cộng sự khảo sát một vùng biển kéo dài hàng trăm dặm tính từ nơi Titanic phát đi những tín hiệu cấp cứu cuối cùng nhưng không kết quả. Đến năm 1980, ông đề nghị Hải quân Mỹ cho ông mượn thiết bị lặn điều khiển từ xa Argo, có thể xuống đến độ sâu 6.000m. Tuy nhiên, phía hải quân chỉ cho Ballard mượn với điều kiện ông phải giúp họ tìm kiếm hai xác tàu ngầm hạt nhân USS Thresher và USS Scorpion bị chìm ở Đại Tây Dương trong những năm giữa thập niên 1960. Cuối cùng, hai bên đi đến một thỏa thuận rằng nếu Ballard định vị thành công vị trí của 2 xác tàu ngầm thì ông được quyền sử dụng Argo cho mục đích riêng.

Thời điểm này, giữa Mỹ và Liên Xô vẫn đang xảy ra chiến tranh lạnh nên nhiệm vụ của Ballard được giữ bí mật hoàn toàn vì trong xác tàu ngầm USS Scorpion vẫn còn 1 quả bom hạt nhân. Để hợp thức hóa, tránh những con mắt tò mò, Hải quân Mỹ phòng cho Ballard hàm thiếu tá.  Trong nhật ký, Ballard viết: “Dẫu sao tôi vẫn là một nhà hải dương học, và việc tìm kiếm tàu này hay tàu kia cũng chỉ là công việc mà thôi”.

Mùa hè năm 1984, bằng camera trên chiếc Argo, Ballard chụp được ảnh nơi tàu USS Thresher chìm. Đầu năm 1985, ông xác định vị trí của chiếc USS Scorpion. Từ lúc này, thiết bị lặn điều khiển từ xa Argo thuộc về quyền sử dụng của ông nhưng phía hải quân lại chỉ cho ông mượn đúng 2 tuần vì lý do bảo mật. Ballard viết: “Trong khi chưa chuẩn bị, tôi trả lại chiếc Argo cho Hải quân Mỹ, và họ sẽ giao cho tôi bất cứ lúc nào tôi yêu cầu”. 

Để tìm chiếc Titanic, Ballard phải khoanh vùng những nơi nghi ngờ. Đầu tháng 6-1985, ông liên hệ với Viện Nghiên cứu và Khai thác biển của Pháp, đề nghị họ hợp tác với ông. Đến tháng 7, người Pháp cử chiếc tàu Le Suroit, chỉ huy bởi nhà thám hiểm Jean Louis Michel, tiến hành một kỹ thuật gọi là “cắt cỏ”. Bằng cách sử dụng hệ thống sonar, chiếc Le Suroit quét những đường dài dưới đáy biển, đường nọ nối tiếp đường kia để bảo đảm không một vật thể gì bị bỏ sót. Việc “cắt cỏ” kéo dài suốt 5 tuần nhưng không mang lại kết quả nên chiếc Le Suroit quay về Pháp.

Mũi tàu Titanic qua camera của chiếc Argo.
Mũi tàu Titanic qua camera của chiếc Argo.

CANH BẠC CUỐI CÙNG

Lúc này, mọi hy vọng của Ballard chỉ còn đặt vào tàu Knoor. Ông đề nghị Hải quân Mỹ cho ông mượn chiếc Argo và thay vì quét theo đường thẳng như tàu Le Suroit đã làm, Ballard cho chiếc Argo xuống sát đáy biển, quét theo hình xoắn ốc, từ tâm đi ra rồi quan sát những hình ảnh do camera truyền về. Và bởi vì ông chỉ có 14 ngày để sử dụng nó nên ông cắt cử  7 người, thay phiên nhau liên tục theo dõi cả ngày lẫn đêm. Khi chỉ còn 2 ngày nữa là chấm dứt thời gian mượn chiếc Argo, đội tìm kiếm của Ballard đã nhìn thấy nổi hơi của chiếc Titanic ở độ sâu 4.300m. Ballard viết: “Sáng hôm sau, qua camera, mũi tàu Titanic hiện ra lờ mờ. Cảm xúc của tôi lúc ấy rất lẫn lộn. Trên màn hình, phần đuôi tàu bị hư hỏng nặng nhất nằm cách đó 400m. 1 trong 4 ống khói của nó vẫn thẳng đứng và điều mà người ta nghi ngờ đã lâu, bây giờ trở nên chính xác: Titanic bị đứt làm 2 khi nó chìm xuống nước…”.

4 ngày sau khi phát hiện chiếc Titanic, và tàu của Hải quân Mỹ đã thu hồi chiếc Argo, thời tiết đột ngột trở xấu khiến Ballard phải quay về. Mãi đến mùa hè năm 1986, ông mới trở lại cùng một nhóm các nhà khoa học và lần này, việc khảo sát được tiến hành một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ hơn với 2 thiết bị lặn điều khiển từ xa là Argo và Angus. Hình ảnh thu được cho thấy nhiều phần trên tàu bị xé nát do vụ nổ của 2 trong số 4 nồi hơi, nhiều phòng trên tàu vương vãi những loại đồ sứ, những chai rượu sâm panh chưa mở nắp và thậm chí là một đôi giày da vẫn còn nằm nguyên trên kệ. Tuy nhiên, Ballard không hề tìm thấy một xác người nào bởi lẽ sau chừng ấy năm, các loài sinh vật biển đã dọn dẹp sạch sẽ, kể cả xương cốt.

Tháng 6-1986, Ballard cho công bố những hình ảnh về con tàu huyền thoại Titanic. Ngay lập tức, nó xuất hiện trên hầu hết những tờ báo lớn, những đài truyền hình khắp thế giới nhưng cũng từ lúc ấy, ông phải lao vào cuộc đấu tranh chống lại việc trục vớt những hiện vật mà bởi tính lịch sử, nhiều vật trở thành vô giá. Ballard nói trong một cuộc họp báo: “Hãy đối xử với Titanic bằng sự kính trọng. Nó bây giờ đã nằm dưới 4.300m nước. Không hề có ánh sáng mặt trời ở nấm mồ này. Nó nằm đó trong sự tĩnh lặng và thanh bình tuyệt đối. Nên để cho nó mãi mãi vẫn là như vậy…”.

VŨ CAO
Theo History

.
.
.