.

Vấn đề biên giới quốc gia thách thức sự tồn vong của EU

Cập nhật: 19:44, 16/07/2018 (GMT+7)

Để bảo đảm sự tồn tại một khối liên minh vững chắc, Liên minh châu Âu (EU) đặt những mục tiêu tuyệt vời nhất để thuyết phục người dân các quốc gia thành viên, đó là: Sản phẩm rẻ hơn; đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn; đời sống kinh tế thịnh vượng hơn và an ninh đảm bảo hơn. Thế nhưng, trước thực trạng di dân đang ngày càng diễn biến phức tạp, vấn đề biên giới quốc gia lại được đặt ra gay gắt khiến các mục tiêu ấy càng trở nên xa vời.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng cảnh báo nguy cơ tan rã EU vì vấn đề biên giới quốc gia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng cảnh báo nguy cơ tan rã EU vì vấn đề biên giới quốc gia.

Để “nhào nặn” nên một châu Âu thống nhất toàn diện theo kiểu Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, các nhà sáng lập EU đã “thai nghén” một cuộc thí nghiệm cấp tiến nhằm xóa đi khái niệm quốc gia dân tộc, trong đó tư tưởng cốt lõi dựa trên bản sắc dân tộc không cạnh tranh đã dẫn đến thảm họa là những cuộc đại chiến thế giới.

Trong tuyên bố thành lập khối tiền thân của EU vào năm 1949, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khi đó Robert Schuman đã gọi đây là “một thí nghiệm vĩ đại” hứa hẹn sẽ “đặt dấu chấm hết cho chiến tranh” và bảo đảm một “nền hòa bình bất diệt”. Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Halvard M. Lange so sánh châu Âu khi đó như những thuộc địa Bắc Mỹ thời kỳ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chưa hình thành.

Ngay từ khi mới hình thành, các lãnh đạo ở châu Âu đã nhận diện vấn đề lớn nhất của khối. “Cảm giác sâu sắc về bản sắc dân tộc phải được xem là rào cản thật sự cho sự hòa hợp châu Âu” - ông Lange viết trong bài chính luận đã trở thành văn kiện cơ sở thành lập EU. Nhưng thay vì vượt qua, khắc phục rào cản đó, các lãnh đạo châu Âu đã giả vờ xem như nó chưa từng tồn tại. Nguy hại hơn, họ hoàn toàn né tránh đề cập một vấn đề mà người châu Âu cần phải từ bỏ: Bản sắc dân tộc sâu sắc và chủ quyền quốc gia vững chắc.

Thế rồi ngày nay, khi châu Âu chật vật đối phó với những vấn đề xã hội và chính trị căng thẳng do dòng người nhập cư từ bên ngoài khối, một số người lại kêu phải bảo vệ cho điều mà họ chưa bao giờ từ bỏ: Biên giới quốc gia. Cuộc chiến của họ với các lãnh đạo châu Âu đã làm lộ ra mâu thuẫn gay gắt giữa “giấc mơ EU” và bản sắc của các dân tộc châu Âu.

Trong đó, các lãnh đạo châu Âu truyền thống khẳng định mở cửa biên giới bên trong khối. Sự tự do đi lại chỉ có nghĩa là xóa nhòa ranh giới, rào cản văn hóa, hội nhập về kinh tế và làm cho thị trường chung hoạt động trơn tru hơn. Trong khi đó, ngày càng có nhiều cử tri châu Âu muốn hạn chế tối đa số người tị nạn đến nước mình và điều này có thể đòi hỏi phải đóng cửa biên giới.

Giới phân tích có lý do để cho rằng vấn đề người tị nạn và biên giới quốc gia đang đẩy châu Âu đi đến ranh giới nguy hiểm của sự tồn vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo quan trọng nhất của khối, đã đưa ra cảnh báo “thảm họa” và bản thân bà cũng đang gặp rủi ro lớn vì vấn đề biên giới và người nhập cư.

Trong chừng mực nào đó, chính các đường biên giới là động lực của trào lưu khôi phục biên giới các quốc gia trong EU, được thúc đẩy mạnh lên bằng những luận điệu tuyên truyền của chính trị dân túy về việc khôi phục chủ quyền lãnh thổ quốc gia và bản sắc dân tộc. Làn gió dân túy được nuôi dưỡng bởi những con lốc nhỏ rải rác khắp EU.

Đây đó, từ Đức đến Pháp, Áo và cả Anh (đang trong quá trình Brexit), người dân đang ca thán về những vấn đề đáng quan tâm như: Đường biên giới biến mất, mất bản sắc, bộ máy không đáng tin tưởng, chủ quyền quốc gia đã được trao cho EU và quá nhiều người tị nạn. Trong đó, những nhà chính trị dân túy thường lấy vấn đề người tị nạn làm trọng tâm cho cuộc đấu tranh đòi khôi phục biên giới và chủ quyền quốc gia trong EU.

Thật khó cho người châu Âu khi phải từ bỏ bản sắc dân tộc truyền thống, vốn được xác định bằng sắc tộc và ngôn ngữ. Nhu cầu mãnh liệt nhất của nhân loại chính là củng cố bản sắc dân tộc của mình. Vì thế, cho dù lập luận kiểu gì thì cũng khó thuyết phục những dân tộc khác nhau trong EU từ bỏ chủ quyền quốc gia, bản sắc dân tộc của họ. Và biên giới quốc gia luôn tồn tại dù dưới hình thức nào.

AN CHÂU

.
.
.