Máy bay trinh sát huyền thoại SR-71 tránh tên lửa như thế nào?
Ngày 26-8-1981, giữa lúc nhiều cuộc diễn tập quan trọng đang diễn ra tại Triều Tiên, khiến nhiều người lo ngại về một cuộc tấn công, một trong những chiếc máy bay trinh sát trứ danh của Mỹ đã được cử theo dõi hoạt động của lực lượng Triều Tiên. Lầu Năm góc muốn thu thập thông tin về các cơ sở tên lửa Triều Tiên và máy bay do thám SR-71 biệt danh “Hắc điểu” (Blackbird) đã được lựa chọn.
SR-71 chưa từng trúng hỏa lực đối phương, dù đã từng bị hàng ngàn quả tên lửa đồ họa thế hệ tiếp theo của SR-71nhắm bắn. |
SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát tốc độ cao do tập đoàn Lockheed chế tạo cho Không quân Mỹ vào những năm 1960. SR-71 có thể đạt tốc độ Mach 3 (khoảng 3.500km/h) ở độ cao lên tới trên 24km. Đây cũng là loại máy bay trinh sát nhanh nhất từng được chế tạo và là đỉnh cao công nghệ hàng không trong những năm Chiến tranh Lạnh. Ở thời điểm những năm 1960, hầu như không có máy bay nào có thể bắt kịp tốc độ của phi cơ này. Năm 1976, SR-71 từng lập kỷ lục là máy bay có người lái nhanh nhất thế giới.
SR-71 còn có thể bay trên 4.500km mà không cần tiếp nhiên liệu, cũng như có năng lực trinh sát trên phạm vi rộng tới 60.000 dặm vuông/giờ. Tuy nhiên đây là máy bay không vũ trang. Phi công và sĩ quan điều khiển hệ thống do thám ngồi trên ghế phóng trong khoang lái và nhanh chóng thoát thân nếu máy bay trúng hỏa lực.
Tốc độ bay nhanh kinh ngạc cho phép nó thu thập nhiều thông tin tình báo về địa hình, vị trí quân địch... Máy bay có thể xâm nhập không phận để chụp ảnh rồi nhanh chóng thoát ra khi đối phương chưa kịp trở tay. Camera trên SR-71 tiên tiến đến mức nó có thể chụp ảnh một chiếc xe ô tô dưới mặt đất khi đang bay cao 24.000m với tốc độ 3.600km/h, thậm chí còn nhìn rõ biển số xe trong ảnh.
Năm 1981, một sự kiện khiến tên tuổi của “Hắc điểu” SR-71 càng nổi như cồn, đó là vụ chiếc máy bay này đã tránh khỏi một vụ tấn công tên lửa của Triều Tiên một cách ngoạn mục. Tháng 8-1981, SR-71 được giao nhiệm vụ bay trinh sát trên bán đảo Triều Tiên để theo dõi các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng. Khi bay qua khu phi quân sự (DMZ) liên Triều, phi công Maury Rosenberg phát hiện tên lửa đất đối không của Triều Tiên bắn lên theo đường di chuyển của máy bay. SR-71 là phi cơ tốc độ cao nhưng khả năng cơ động trong phạm vi hẹp khá hạn chế. Máy bay không thể thực hiện động tác tránh tên lửa như các chiến đấu cơ thông thường. Điều duy nhất mà phi công Rosenberg và phi công phụ Ed McKim có thể làm là lái máy bay tránh càng xa tên lửa càng tốt. Điều may mắn là khi máy bay thay đổi đường bay, tên lửa không bám theo mà bay thẳng lên theo quỹ đạo ban đầu. Tên lửa đạt giới hạn tầm cao của nó và phát nổ cách SR-71 khoảng 1,6 đến 2,4 km. Khoảng cách này nghe có vẻ an toàn nhưng với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, vụ nổ cách máy bay chỉ 2 giây. Sau quả tên lửa đầu bị trượt, Triều Tiên đã cố gắng bắn tên lửa thứ 2 vào SR-71 nhưng nhờ tốc độ nhanh, Blackbird đã kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi tên lửa bay đến.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã chế tạo máy bay MiG-25 Foxbat để đối phó với cả SR-71 lẫn máy bay ném bom B-70 Valkyrie của Mỹ. Nhưng ngay cả Foxbat cũng không thể ngăn cản SR-71 tiến vào những khu vực mà nó được giao nhiệm vụ. Cuối cùng, chỉ có chương trình cắt giảm ngân sách mới “ngăn” được SR-71 vào cuối Chiến tranh Lạnh.
SR-71 được phiên chế vào Không lực Mỹ từ năm 1964 với tổng cộng chỉ 32 chiếc và phi đội này chính thức “nghỉ hưu” vào năm 1998. Nhưng ngay cả sau đó, 2 chiếc vẫn tiếp tục được NASA sử dụng trong năm tiếp theo. Theo thống kê, có tới trên 4.000 quả tên lửa đã được phóng nhằm vào những chiếc SR-71 trong 25 năm hoạt động của phi đội này, nhưng không quả nào bắn trúng. SR-71 bay quá nhanh và chiến thuật của nó chỉ đơn giản là tăng tốc cho đến khi tên lửa không thể nào bắt kịp. 12 chiếc SR-71 đã bị rơi trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng đều là do sự cố.
Ngày nay, SR-71 tuy không còn hoạt động nhưng vẫn là phi cơ trinh sát huyền thoại của Không quân Mỹ cũng như thế giới mà chưa có máy bay nào thay thế xứng tầm. Tuy vậy, SR-71 cũng có những hạn chế. Chiếc máy bay có chi phí hoạt động đắt đỏ, ước tính trên 100.000 USD cho mỗi lần bay. Hơn nữa, một chiếc SR-71 đòi hỏi trung bình một tuần bảo dưỡng giữa mỗi sứ mạng, bởi những chuyến bay tốc độ cao thường khiến các bộ phận nhỏ trong máy bay bị lỏng, thậm chí văng mất. Không quân Mỹ cũng lo ngại, tên lửa đất đối không SA-5 mới của Liên Xô đạt được tốc độ và tầm bay để tấn công SR-71.
Quan trọng hơn, ngày nay các vệ tinh do thám và máy bay do thám không người lái có thể đảm nhiệm những sứ mạng chiến lược mà SR-71 được thiết kế để thực hiện. Và SR-71 vốn dựa trên công nghệ từ thập niên 1960, không có kết nối dữ liệu để truyền dữ liệu tình báo của nó trở lại trung tâm phân tích, vì thế chiếc máy bay không được coi là lý tưởng trong việc cung cấp dữ liệu giữa lúc cấp bách thời gian.
Tiết diện rộng tới 10m2 của SR-71 cũng khiến công nghệ radar của Liên Xô nhanh chóng phát hiện được. Dù vậy, các phi công lái SR-71 hiểu rằng, tốc độ nhanh của chú chim sắt này có tác dụng như một hệ thống phòng vệ vậy.
Hãng Lockheed Martin hiện đã lên kế hoạch chế tạo phiên bản kế nhiệm SR-71 là SR-72, dự kiến sẽ bay với tốc độ trên Mach 6 (6.400km/h). Dự án này sẽ bắt đầu vào đầu thập niên 2020 và phiên bản hoàn thiện có thể đi vào hoạt động vào những năm 2030.
THU HẰNG