Hội nghị G20 thảo luận về thách thức, cơ hội của kinh tế toàn cầu
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 trong năm 2018 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina nhằm thảo luận về những “thách thức và cơ hội” của nền kinh tế thế giới.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. |
Với sự có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, hội nghị sẽ tập trung vào các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Tại các cuộc họp kín kéo dài trong 2 ngày, hội nghị cũng sẽ đề cập tới các vần đề như công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thuế và tài chính bao trùm. Ngoài ra, theo đề xuất của nước chủ nhà Argentina, các chủ đề liên quan tới tương lai của việc làm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cũng sẽ được đưa ra bàn bạc tại các phiên họp lần này.
Các nền kinh tế thành viên G20 đều bày tỏ quyết tâm đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề được nêu ra tại hội nghị, để từ đó hoàn tất những đề xuất, kiến nghị trình lên hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ tin tưởng với vai trò Chủ tịch luân phiên của G20, Argentina sẽ có tiếng nói mạnh mẽ giúp tạo ra được một sự hiểu biết lẫn nhau và bình đẳng ở cấp độ toàn cầu liên quan tới tăng trưởng và thay đổi trong vấn đề việc làm, tác động của công nghệ mới và thương mại. Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cho rằng mọi việc có đạt kết quả hay không còn phụ thuộc vào trách nhiệm của tất cả các thành viên của G20.
IMF cũng cảnh báo làn sóng áp thuế thương mại có thể sẽ ảnh hưởng một cách đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Theo một báo cáo của tổ chức tài chính này, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa về một sự suy giảm vẫn hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết sẽ tận dụng hội nghị lần này để đề cập tới một hệ thống thương mại dựa trên luật chơi công bằng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới quan sát, những tác động của mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ với EU và Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới lập trường của các bên trong cuộc họp lần này khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cáo buộc EU và Trung Quốc thao túng tiền tệ, đồng thời đe dọa áp thuế với ôtô nhập khẩu của châu Âu, cũng như mọi sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc.
REUTERS