Những mốc nổi bật trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên
Cuộc gặp ngày 12-6 tại Singapore là cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Dưới đây là 10 mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore là một mốc quan trọng trong lịch sử mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Eurasia Review |
Chiến tranh Triều Tiên: Mỹ và Triều Tiên ở 2 bên chiến tuyến trong cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm đầu những năm 1950 khiến hàng triệu người thiệt mạng. Cuộc chiến bắt đầu vào tháng 6-1950 khi binh sỹ Triều Tiên đổ bộ qua ranh giới ở 38 độ vĩ Bắc và tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ. Quân đội Hàn Quốc không đủ sức chống đỡ đã khiến các lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu phải vào cuộc. Trung Quốc sau đó cũng đã can dự vào cuộc chiến tranh này. Cuộc chiến kết thúc bằng một hiệp định đình chiến giữa các bên vào tháng 7-1953. Hiệp định này tới nay vẫn chưa được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình cuối cùng để chính thức chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, và hiện Mỹ vẫn duy trì 28.500 binh sỹ ở Hàn Quốc.
Triều Tiên bắt tàu gián điệp Mỹ: Tháng 1-1968, Hải quân Triều Tiên tấn công và bắt giữ tàu USS Pueblo ngoài khơi phía đông Triều Tiên. Một thủy thủ người Mỹ đã thiệt mạng và 82 người khác bị bắt giữ. Những người này bị bắt giữ ở Triều Tiên 11 tháng và chỉ được thả sau khi trưởng đoàn đàm phán của Mỹ ký tuyên bố thừa nhận tàu USS Pueblo đã xâm phạm bất hợp pháp lãnh hải Triều Tiên. Triều Tiên đưa con tàu USS Pueblo trưng bày ở Bình Nhưỡng và đây là con tàu duy nhất của Hải quân Mỹ bị một nước khác thu giữ.
Vụ sát hại bằng rìu: Vụ binh sỹ Triều Tiên sát hại hai binh sỹ Mỹ bằng rìu mùa hè năm 1976 ở Khu Phi quân sự (DMZ) đã suýt khiến Bán đảo Triều Tiên một lần nữa rơi vào chiến tranh. Nước Mỹ thể hiện sự giận dữ bằng cách điều máy bay ném bom B-52 tới DMZ để “đối phó” với Triều Tiên. Sự thù địch chỉ được xoa dịu đi sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), lên tiếng bày tỏ lấy làm tiếc về vụ sát hại này.
Cựu Tổng thống Carter thăm Triều Tiên: Tháng 6-1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã có chuyến thăm Triều Tiên qua khu Phi Quân sự và đã có 2 cuộc gặp kéo dài với nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) nhằm nỗ lực ngăn chặn một cuộc đối đầu hạt nhân. Sau khi trở lại Hàn Quốc, ông Carter đã chuyển lại đề nghị của ông Kim Nhật Thành về một cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều và Tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Young-sam đã chấp nhận. Tuy nhiên, điều đó đã không thể thành hiện thực sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời vào tháng 7-1994. Khi ông Kim Jong-il lên nắm quyền, ông đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000 với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung.
Thỏa thuận khung 1994: Tháng 10-1994, Mỹ ký thỏa thuận bước ngoặt về giải giáp hạt nhân với Triều Tiên, kết thúc nhiều tháng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh sau khi Triều Tiên dọa rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và chuyển kho nhiên liệu hạt nhân của mình thành bom. Theo thỏa thuận được gọi là “Khung làm việc được nhất trí” này, Triều Tiên đóng băng các hoạt động hạt nhân và đồng ý đóng cửa các cơ sở hạt nhân để đối lấy việc xây dựng 2 nhà máy phản ứng nước nặng để sản xuất điện cũng như việc cung cấp dầu. Thỏa thuận đã sụp đổ năm 2002, khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên vẫn bí mật theo đuổi chương trình hạt nhân với việc làm giàu urani.
Quan chức cấp cao Triều Tiên thăm Mỹ: Tháng 10-2000, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, và Phó thống chế Jo Myong-rok tới Mỹ, trở thành quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tới thăm “kẻ thù thời chiến” kể từ sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt. Ông Jo Myong-rok đã gặp Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton và tận tay trao lá thư của ông Kim Jong-il. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tìm cách cải thiện quan hệ khi căng thẳng được hạ nhiệt sau cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trước đó cùng năm.
Ngoại trưởng Mỹ Albright tới Triều Tiên: Vài tuần sau chuyến thăm của ông Jo Myong-rok tới Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Madeleine Albright đã có chuyến thăm “đáp lễ” tới Bình Nhưỡng để nỗ lực thu xếp một chuyến thăm Triều Tiên cho Tổng thống Clinton. Bà đã có cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Bầu không khí tích cực giữa 2 nước đã chuyển biến một cách “đầy kịch tính” sau khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền vào năm 2001 với chính sách chặt chẽ hơn với Triều Tiên.
Đàm phán 6 bên: Mỹ trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên năm 2003, lần này là dưới cơ chế đàm phán 6 bên với sự tham gia của cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Trong các cuộc đàm phán kéo dài tới năm 2008, Triều Tiên đã dừng các hoạt động hạt nhân một lần nữa để đổi lấy các lợi ích về an ninh, kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại khi các bên bất đồng về việc làm thế nào để xác minh các bước giải trừ hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2009.
Gia tăng các vụ thử tên lửa và hạt nhân: Sau khi lên nắm quyền cuối năm 2011, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa mà nước này tuyên bố có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Đặc biệt năm 2017, thế giới đã chứng kiến nỗi lo sợ căng thẳng có thể leo thang thành một cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử được cho là mạnh nhất từ trước tới nay cùng 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng có cuộc khẩu chiến gay gắt.
Bầu không khí hạ nhiệt mới: Triều Tiên thay đổi “chiến thuật” từ đầu năm 2018 khi cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Hàn Quốc và tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất sẽ đàm phán về phi hạt nhân hóa nếu được đảm bảo an ninh từ Mỹ. Hồi tháng 3, Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí tiến hành cuộc gặp Thượng đỉnh, khiến cả thế giới bất ngờ. Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có các chuyến thăm Bình Nhưỡng và gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dù từng tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh nhưng sau chuyến thăm của Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tới Mỹ, Washington khẳng định cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu vào ngày 12-6 tại Singapore.
THÙY LINH