.

Những điểm khác nhau giữa Macedonia và Cộng hòa Bắc Macedonia

Cập nhật: 17:07, 19/06/2018 (GMT+7)

Thủ tướng Hy Lạp và Macedonia cùng các quan chức từ LHQ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-6-2018 chứng kiến lễ ký thỏa thuận đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Đây được coi là một thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt những tranh cãi kéo dài nhiều năm qua về tên gọi của quốc gia ở đông nam châu Âu này.

Những lo ngại về chủ quyền đối với vùng Macedonia ở phía bắc Hy Lạp đã được giải quyết ổn thỏa.
Những lo ngại về chủ quyền đối với vùng Macedonia ở phía bắc Hy Lạp đã được giải quyết ổn thỏa.

Cộng hòa Macedonia được thành lập vào năm 1991, sau khi giành được độc lập một cách hòa bình từ Liên bang Nam Tư. Quốc gia với dân số khoảng hai triệu người này có thủ đô là Skopje, có biên giới phía bắc giáp Serbia và Kosovo, phía tây giáp Albania, phía đông là Bulgaria và phía nam là Hy Lạp. Lãnh thổ của Cộng hòa Macedonia nằm trên vùng đất của nhiều quốc gia khác nhau trong lịch sử và có lịch sử, văn hóa gắn liền với Hy Lạp. Bởi vậy, ngay từ khi Cộng hòa Macedonia ra đời, tên gọi của quốc gia non trẻ này đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ nước láng giềng Hy Lạp, bởi Athens cho rằng cách gọi này thể hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống phía nam của Skopje.

Dù Cộng hòa Macedonia đã được hơn 140 quốc gia công nhận, trong đó có Mỹ và phần lớn thành viên EU, Hy Lạp trong suốt 25 năm qua đã liên tiếp phủ quyết việc kết nạp Macedonia vào NATO và EU vì họ lo ngại rằng nước này có thể tuyên bố chủ quyền đối với vùng Macedonia ở phía bắc Hy Lạp. Điều khiến người Hy Lạp lo ngại nhất là lời nói đầu trong hiến pháp Cộng hòa Macedonia, trong đó đề cập đến “tính hợp pháp của Cộng hòa Krushevo” được thành lập năm 1903, sau một cuộc nổi dậy chống lại Đế chế Ottoman. Mục tiêu của cuộc nổi dậy là thành lập nước cộng hòa từ tỉnh Macedonia của Đế chế Ottoman, bao gồm lãnh thổ Hy Lạp và Bulgaria ngày nay, tuy nhiên phong trào bị đàn áp chỉ sau 10 ngày.

Điều 3 của hiến pháp Macedonia còn để ngỏ khả năng biên giới nước này “có thể thay đổi”, trong khi điều 49 nhấn mạnh “Cộng hòa Macedonia quan tâm đến địa vị và quyền lợi của người thuộc dân tộc Macedonia ở các nước láng giềng”. Hy Lạp quan ngại rằng những điều khoản đó có thể bị Macedonia coi là tiền đề để thực hiện các hành động can thiệp vào công việc nội bộ nước này, cũng như làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ phía bắc Hy Lạp. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy chỉ có 22% người Hy Lạp đồng ý với việc để quốc gia láng giềng phía bắc tiếp tục sử dụng từ “Macedonia” trong tên gọi mới, nhưng con số này tăng lên 57% nếu Skopje loại bỏ các điều khoản gây lo ngại về lãnh thổ với Athens trong hiến pháp.

Không chỉ thể hiện lo ngại về lãnh thổ, người Hy Lạp còn bất bình với Macedonia cả về khía cạnh văn hóa và lịch sử. George Papavasiliou, một thợ mỏ 54 tuổi ở vùng Macedonia phía bắc Hy Lạp cho rằng, chỉ có những người sống ở khu vực này mới xứng đáng với tên gọi “người Macedonia” bởi họ là những hậu duệ của vị vua chiến binh Alexander Đại đế. Alexander Đại đế (356-323 TCN) là quốc vương thứ 14 của triều đại Argead ở Vương quốc Macedonia, người đã thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại và tiến hành các cuộc chinh phạt trên khắp thế giới, mở rộng biên giới vương quốc đến tận lãnh thổ Ấn Độ ngày nay. Ông được người Hy Lạp coi như một huyền thoại và là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất thế giới.

Những người dân Hy Lạp như Papavasiliou cho rằng Cộng hòa Macedonia không xứng đáng mang tên gọi gợi liên tưởng đến vị hoàng đế huyền thoại, bởi người dân nước này chủ yếu là người Slavs hoặc Albania, chứ không phải người Hy Lạp bản địa. “Tôi chỉ đồng ý với tên gọi nước đó khi không có chữ Macedonia - Papavasiliou nói - Nếu như cách họ giải thích, Ấn Độ hiện nay cũng có thể gọi là Macedonia, vì Alexander Đại đế cũng từng tới đây và chinh phạt vùng đất này”.

Theo giáo sư khảo cổ học Stephen Miller thuộc Đại học California, Berkeley, thuật ngữ “Macedonia” từ xưa đã được dùng để chỉ khu vực phía bắc của Hy Lạp, ngăn cách với Skopje (thủ đô Cộng hòa Macedonia ngày nay) bằng một dãy núi. “Skopje trước đây là một vương quốc cổ có tên là Peonia. Vua Philip, cha của Alexander Đại đế, từng đánh bại Peonia và sáp nhập nó vào vương quốc của mình. Vua tiếp theo của Peonia đã giúp đỡ Alexander Đại đế tấn công Ba Tư. Rõ ràng khu vực này không phải là Macedonia mà là Peonia”, Miller nhấn mạnh. Tuy nhiên, người dân Cộng hòa Macedonia vẫn muốn sử dụng tên gọi này, vì cho rằng nó cho thấy họ là người Macedonia, điều rất ý nghĩa để xác định họ là một quốc gia, theo các nhà phân tích.

Để giải quyết bất đồng, Hy Lạp và Macedonia đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc đổi tên nước từ đầu năm nay. Nhà trung gian đàm phán người Mỹ Matthew Nimetz đề xuất 5 phương án khả dĩ cho tên gọi mới của Macedonia, gồm: Cộng hòa Tân Macedonia, Cộng hòa Thượng Macedonia, Cộng hòa Bắc Macedonia, Cộng hòa Macedonia Vardarska và Cộng hòa Macedonia (Skopje). Cuối cùng, cái tên Cộng hòa Bắc Macedonia đã được chính phủ hai nước lựa chọn để đi đến thỏa thuận đổi tên nước cuối cùng. Theo Karakasidou, đây là giải pháp tốt đẹp cho cả hai nước.

Sau lễ ký kết thỏa thuận sơ bộ về việc đổi tên nước, Macedonia sẽ trưng cầu dân ý và nhiều khả năng sửa đổi hiến pháp để mang tên mới là Cộng hòa Bắc Macedonia vào cuối năm nay. Nước này cũng sẽ chỉnh lý sách giáo khoa lịch sử để thể hiện rằng người dân của họ không phải là hậu duệ trực tiếp của người Macedonia. Đổi lại, Hy Lạp cũng sẽ nhất trí để Cộng hòa Bắc Macedonia gia nhập NATO và EU.

THÀNH NGUYỄN

.
.
.