.

Cuộc chiến tranh chóng vánh nhất trong lịch sử

Cập nhật: 17:51, 20/06/2018 (GMT+7)

Trận đối đầu 38 phút giữa Anh và quốc đảo Zanzibar ở Đông Phi năm 1896 được xem là cuộc chiến ngắn ngủi nhất trong lịch sử thế giới.

Tuần dương hạm HMS Philomel được cử tới đe dọa Zanzibar.
Tuần dương hạm HMS Philomel được cử tới đe dọa Zanzibar.

9 giờ 00 phút, ngày 27-8-1896, Anh tuyên chiến với quốc đảo Zanzibar ở Đông Phi. Giao tranh kết thúc chỉ sau 38 phút với phần thắng nghiêng về hải quân Anh, biến đây trở thành cuộc chiến ngắn nhất lịch sử quân sự thế giới.

Cuộc chiến bắt nguồn từ tranh chấp quyền lực nội bộ sau khi vua Hồi giáo Hamad bin Thuwaini của Zanzibar, người có tư tưởng thân Anh, đột ngột qua đời vào ngày 25-8. Khalid bin Bargash, cháu trai nhà vua, nhanh chóng kiểm soát cung điện và lên ngôi trước Hamud bin Muhammed, người được chính quyền Anh ủng hộ kế vị. Nhiều người nghi ngờ Bargash đã đầu độc nhà vua Thuwaini trong một âm mưu đảo chính.

Thực dân Anh quyết tâm duy trì ảnh hưởng ở Zanzibar, quốc đảo nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược quan trọng, chỉ cách bờ biển Tanzania, thuộc địa của Đức khi đó, khoảng vài km. Việc Bargash lên nắm quyền có thể khiến London mất ảnh hưởng, trong khi hiệp ước năm 1866 quy định Anh là bên quyết định cuối cùng về vấn đề người kế vị ngai vàng Zanzibar.

Thực hiện chính sách ngoại giao pháo hạm, thực dân Anh ra lệnh cho 5 tàu chiến do tuần dương hạm HMS Philomel và HMS St George dẫn đầu tiến vào cảng Zanzibar từ sáng 27-8 để ra tối hậu thư. Theo đó, Bargash phải trao lại vương quyền cho Muhammed lúc 9 giờ 00 phút, nếu không phía Anh sẽ tuyên bố chiến tranh.

Bargash từ chối và gia cố mặt cung điện hướng ra vịnh, đồng thời câu giờ với người Anh thông qua một nhà ngoại giao Mỹ trên đảo. Đô đốc Harry Rawson, chỉ huy nhóm tàu chiến Anh, phớt lờ lời kêu gọi đàm phán của Bargash và ra lệnh nã pháo thẳng vào cung điện khi hết thời hạn trong tối hậu thư.

Cung điện Zanzibar bị phá hủy sau cuộc pháo kích của tàu chiến Anh.
Cung điện Zanzibar bị phá hủy sau cuộc pháo kích của tàu chiến Anh.

38 phút sau, khi thương vong trong trận pháo kích lên tới gần 500 người và du thuyền hoàng gia bị trúng đạn, Bargash quyết định bỏ chạy đến lãnh sự quán Đức, lực lượng phòng thủ cung điện cũng nhanh chóng đầu hàng sau đó. Chỉ 1 thủy thủ Anh bị thương trong trận chiến.

Hòa bình nhanh chóng được khôi phục. Chính phủ Anh đưa Muhammed lên ngai vàng, sau đó yêu cầu Zanzibar bồi thường chiến phí cho số đạn pháo đạn bắn ra trong cuộc chiến ngắn ngủi.

Bargash ẩn náu trong lãnh sự quán Đức và trốn đến thủ đô Dar es Salaam của Tazania sau đó vài tuần. Tuy nhiên, vị vua này bị bắt giữ năm 1916 và lưu đày đến St. Helena, và qua đời tại đó vào năm 1927 ở tuổi 53. Quốc đảo Zanzibar hợp nhất với nước Tanganyika trên lục địa vào năm 1964 để trở thành Cộng hòa Tanzania hiện nay.

DUY SƠN

.
.
.