Thế hòa hoãn thương mại Mỹ - Trung
Sau 2 ngày đàm phán cam go trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 2 về thương mại Mỹ-Trung vừa kết thúc ở Washington, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn không thuyết phục được Trung Quốc đưa ra con số cụ thể để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Những container hàng hóa ở cảng nước sâu Yangshan, Thượng Hải, Trung Quốc. |
Thay vào đó, tuyên bố chung giữa 2 nước chỉ viết rằng Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để “đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc”. Tuy nhiên, thành công khiêm tốn của vòng đàm phán này được cho là sẽ giúp tạm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh mậu dịch giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo tuyên bố chung, 2 bên đồng ý tiếp tục đàm phán. Như vậy, có lẽ Washington sẽ tạm gác kế hoạch thực thi vòng áp thuế quan đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ, được dự kiến vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Nếu Mỹ không hành động, Trung Quốc cũng sẽ không áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa tương đương. Washington cũng có thể tuyên bố là đã thành công với chiến lược gây áp lực lên Bắc Kinh càng mạnh càng tốt để rốt cuộc Trung Quốc phải có một số nhượng bộ. Trong khi 2 bên tiến hành đàm phán thương mại tại Washington, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18-5 thông báo ngừng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với các sản phẩm lúa miến nhập khẩu từ Mỹ.
Trên thực tế, các nhà kinh tế của cả 2 nước đều cho rằng thâm hụt mậu dịch là sản phẩm của những xu hướng kinh tế vĩ mô rộng hơn liên quan đến việc một quốc gia chi bao nhiêu và tiết kiệm bao nhiêu, chứ không phải do những thay đổi trong chính sách mậu dịch hay xuất khẩu những hàng hóa cụ thể. Ngay cả khi Trung Quốc đồng ý giảm một nửa mức thặng dư mậu dịch năm 2017 lên tới 375,2 tỷ USD với Mỹ, thì điều này cũng khó có thể hiện thực hóa ở cả 2 nước. Muốn thỏa mãn yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc cần phải nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm. Thế nhưng, nghịch lý là những thứ mà Mỹ muốn bán cho Trung Quốc chỉ đem lại nguồn thu không đáng kể so với con số 200 tỷ USD, trong khi những sản phẩm công nghệ đắt tiền mà Trung Quốc muốn mua thì Mỹ lại không muốn bán.
Trước hết là về những hàng hóa mà Mỹ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, con số bổ sung 200 tỷ USD vượt ngoài khả năng của Bắc Kinh. Theo ước tính, ngay cả khi Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nước ngoài khác, như máy bay Airbus của EU hay đậu tương của Brazil và chỉ mua sản phẩm Mỹ, thì điều này cũng chỉ có thể giúp giảm thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc khoảng 50-60 tỷ USD.
Bản thân Mỹ cũng khó có thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu thêm 200 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc, nhất là về ngắn hạn. Đơn cử như, Mỹ đang hối thúc Bắc Kinh tăng mạnh việc mua máy bay Boeing, hiện có giá 250-300 triệu USD một chiếc. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu số máy bay trị giá 16,3 tỷ USD. Nhưng Boeing đang được đặt hàng tổng cộng 5.800 máy bay, tương đương khoảng 7 năm năng suất của hãng.
Mỹ cũng muốn tăng mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng cho tới nay, Mỹ mới chỉ có 2 cơ sở xuất khẩu LNG hoạt động và dự kiến tới năm 2020 có thêm 4 cơ sở nữa đi vào hoạt động. Với mức giá hiện nay, toàn bộ số khí đốt phục vụ xuất khẩu đạt trị giá khoảng 20 tỷ USD. Song Trung Quốc sẽ chỉ có thể nhập một phần sản lượng này, vì các công ty Mỹ không muốn quá phụ thuộc vào việc bán hàng cho một quốc gia. Như hãng Boeing cũng chỉ bán khoảng 1/4 số máy bay của hãng cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc. Hàng bán dẫn là một ví dụ. Do bị kiểm soát nên xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chip của Mỹ sang Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 6,1 tỷ USD, trong khi Mỹ cùng kỳ xuất khẩu tổng cộng 47,7 tỷ USD hàng bán dẫn và hầu hết xuất sang các quốc gia châu Á. Tại những nước này, hàng bán dẫn của Mỹ được thử nghiệm và lắp ráp trong nhiều linh kiện khác nhau và thường được chuyển sang Trung Quốc để lắp vào máy tính và thiết bị viễn thông. Nói cách khác, các con chip của Mỹ được sử dụng tại Trung Quốc, song không được tính vào con số thống kê mậu dịch. Bắc Kinh đang yêu cầu Mỹ tăng cường xuất khẩu trực tiếp chip máy tính sang Trung Quốc. Song điều này đồng nghĩa với việc chuyển hoạt động lắp ráp và thử nghiệm trung gian sang Trung Quốc và vô hình trung lại thúc đẩy ngành bán dẫn của Trung Quốc - điều mà Mỹ không mong muốn.
Mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều công nghệ thương mại và quân sự, song Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách này với tốc độ khiến Washington hoảng sợ. Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025” của Bắc Kinh, theo đó dành những nguồn lực kinh tế khổng lồ cho đổi mới, đang khiến chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt lo lắng vì mục tiêu của kế hoạch này là vượt Mỹ trong những công nghệ tối tân như rô bốt và trí tuệ nhân tạo. Với công nghệ theo kịp ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ thực sự trở thành đối thủ đáng gờm đối với Mỹ. Cuối tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ công bố những biện pháp mới hạn chế Trung Quốc đầu tư và mua lại trong các lĩnh vực chiến lược của Mỹ như công nghệ. Ngoài ra, Mỹ còn đang trấn áp các công ty công nghệ của Trung Quốc và xem xét giảm cấp thị thực cho sinh viên, nghiên cứu sinh và học giả Trung Quốc.
Những nguyên nhân khách quan và chủ quan từ cả 2 phía khiến sự mất cân đối mậu dịch giữa 2 nước khó có thể được giải quyết, nên tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn dai dẳng. Tuy nhiên, kết quả các vòng đàm phán đang diễn ra cho thấy không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành cuộc chiến thương mại “một mất một còn”. Giới phân tích nhận định có lẽ Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật kéo dài các cuộc đàm phán. Như vậy họ có thế có thêm thời gian, thể hiện thiện chí thảo luận về những quan ngại của của Washington với hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ đem lại một chính quyền “ôn hòa” hơn. Trong quá khứ, hiếm có tổng thống Mỹ nào xử lý vấn đề thâm hụt mậu dịch theo cách mà ông Trump đang làm và những chính sách của Mỹ hiện nay có thể bị bãi bỏ một khi có chính quyền mới. Về phần Mỹ, mối lợi từ thị trường Trung Quốc to lớn và quan trọng cũng sẽ buộc Washington phải cân nhắc từng đường đi nước bước để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tốt hơn, thay vì một cuộc chiến khó phân thắng bại mà cả 2 bên đều tổn thất nặng nề.
Nhìn chung, có thể thấy cuộc tranh chấp mậu dịch hiện hành giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ là “vòng một” của cuộc chiến kinh tế sẽ kéo dài nhiều năm, nếu không nói là hàng thập niên. Bất luận nước nào ở thế thượng phong thì cuộc chiến đó cũng gây ảnh hưởng bất lợi tới phần còn lại của thế giới, nhất là những nền kinh tế nhỏ hơn vốn phải dựa vào cả 2 nước này để phát triển. Trong bối cảnh đó, xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, đổi mới công nghệ là chìa khóa để những nền kinh tế nhỏ đối phó với những “cơn gió ngược” đến từ cuộc chiến kinh tế giữa 2 “ông lớn” này.
MINH NGA/TTXVN