.

Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài cuối: Ve sầu thoát xác

Cập nhật: 09:16, 25/05/2018 (GMT+7)

Quyết định đào thoát, ngoài người bạn thân là thợ cơ khí Eugeniusz Bendera, Piechowski còn rủ thêm Stanisław Gustaw Jaster, trung úy quân đội Ba Lan, bị bắt ngay từ những ngày đầu tiên khi Đức Quốc xã đưa quân chiếm Warsaw, và linh mục Jozef Lempart. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi đã làm xong công việc đưa xác xuống lò thiêu, họ lại bí mật bàn bạc cách trốn. Cuối cùng, cả 4 người thống nhất thực hiện một kế hoạch điên rồ khi mà thời gian Eugeniusz Bendera bị đưa vào phòng hơi ngạt chỉ còn 15 ngày… 

4 người trốn thoát khỏi trại Auschwitz (từ trái qua: Piechowski, Jaster, Bendera và linh mục Lempart).
4 người trốn thoát khỏi trại Auschwitz (từ trái qua: Piechowski, Jaster, Bendera và linh mục Lempart).

1. Chiều 27-6-1942, thợ cơ khí Berenda vào garage lấy chiếc xe hơi hiệu Steyr 220 của thiếu tá Paul Kreuzmann, chỉ huy tiểu đoàn lính SS ở trại Auschwitz đem ra chạy thử vì buổi sáng, ông vừa sửa xong. Garage này nằm cạnh nhà kho chứa quân phục lính SS và không ai canh gác. Theo kế hoạch, trước khi đem xe ra khỏi garage, Berenda bằng mọi cách phải nhanh chóng đột nhập vào kho, lấy cắp 4 bộ quân phục lính SS, 4 đôi giày và 4 chiếc mũ kêpi. Berenda kể lại: “Giữa garage và nhà kho chỉ có một bức vách bằng những tấm tôn ghép với nhau. Ở cuối vách là một cánh cửa lớn. Mỗi khi có xe chở quân trang đến trại, lính Đức thường lái vào garage để tù nhân bốc hàng từ xe sang kho qua cánh cửa ấy cho nhanh, thay vì phải vòng ra phía trước…”.

Việc lấy cắp quần áo, giày, mũ, rất nhanh gọn vì trước đó, Berenda đã ước lượng số đo của từng người trong nhóm đào thoát. Chưa hết, ông còn “tiện tay” lấy thêm 4 khẩu tiểu liên Sten, 4 băng đạn và 8 quả lựu đạn, tất cả được giấu dưới gầm ghế sau của chiếc Steyr 220. Điểm hẹn đón Jaster, Lempart và Piechowski là một đoạn đường ngang, nằm giữa các lò thiêu xác. Vẫn theo kế hoạch, chỉ mỗi Piechowski nói giỏi tiếng Đức nên ông có nhiệm vụ lái xe. Linh mục Lempart cũng bập bẹ được chút đỉnh sẽ ngồi cạnh ông, còn Jaster và Berenda ngồi ở ghế sau nhưng do Berenda cứ hễ sửa xong một chiếc xe, ông lại lái nó chạy vòng vòng quanh trại để thử máy, đã bị nhiều lính Đức biết mặt nên phải ngồi cúi mặt xuống và chiếc mũ kêpi đội trên đầu cũng phải kéo sụp xuống.

Chạy hết một vòng quanh trại, Berenda cho xe chạy tiếp vòng thứ 2 và cứ chạy một đoạn, Berenda lại đạp thắng nhưng không đạp “côn” khiến chiếc xe giật khựng rồi dừng lại. Về sau Beranda giải thích: “Tôi phải làm vậy để khi đón Piechowski, Jaster Jaster và linh mục Lempart, sẽ không ai chú ý”.

Đến đoạn đường ngang nằm giữa các lò thiêu xác, chiếc Steyr 220 lại giật khựng rồi ngừng. Mở cửa bước ra, Berenda vừa giở nắp capô, vừa kín đáo quan sát. Giờ đang là lúc thiêu xác nên tù nhân lao động đã được cho về trại, chỉ có Jaster và linh mục Lempart ở lại làm nhiệm vụ giám sát theo sự phân công của Piechowski nên không có lính canh. Rất nhanh chóng, cả 4 người thay quần áo tù kẻ sọc trắng đen bằng 4 bộ quân phục SS mới tinh. Chu đáo hơn, Berenda còn gắn lên hai bên cổ áo của Piechowski đôi quân hàm trung úy. Piechowski kể: “Việc ấy khiến tôi phải đổi kế hoạch vì trung úy thì không thể là tài xế, lái xe chở trung sĩ với binh nhì”. Cuối cùng, Jaster phải thay Piechowski vì linh mục Lempart không biết lái xe!

2. Chiếc Steyr 220 biển số SS-20868 lăn bánh ra cổng chính. Đến lúc này, trung úy quân đội Ba Lan Stanisław Gustaw Jaster bỗng lên tiếng đề nghị đón thêm tù nhân Witold Pilecki vì đây là một nhân viên tình báo trong quân đội kháng chiến Ba Lan, cố ý để bị đưa vào trại Auschwitz nhằm xây dựng cơ sở trong tù nhân, châm ngòi cho một cuộc nổi dậy. Piechowski kể : “Tôi hỏi đón Pilecki bằng cách nào thì Jaster trả lời: “Chúng ta đến buồng giam, gọi Pilecki ra, coi như anh ta bị sĩ quan SS kêu đi làm việc. Đây là chuyện thường tình ở trại mà”.

Tuy nhiên lúc này xe đã gần tới cổng, và Piechowski không muốn hy sinh mạng sống của cả 4 người nếu việc đón Pilecki bại lộ nên ông từ chối. Ông kể: “Xe dừng lại, tôi nghiêng người ra, đủ để cho tên lính gác nhìn thấy phù hiệu SS và cấp hàm trung úy. Vội vã, tên lính giơ tay lên trước mặt, chào lớn: “Hitler vạn tuế” rồi nhanh chóng mở cổng. Lúc qua khỏi, ngoái lại, tôi còn thấy tên lính quay điện thoại, chắc là báo cho 3 cổng kế tiếp rằng xe của sĩ quan SS vừa đi ra”.

Đúng như Piechowski dự đoán, khi mới nhìn thấy chiếc Steyr 220 từ xa, thanh chắn barie đã được giở lên. Ngoại trừ Jaster lái xe, 3 tù nhân còn lại súng trên tay, đạn lên nòng, hễ thấy có gì bất thường là bắn rồi chạy. Linh mục Lempart kể: “Xe vừa đi hết tầm nhìn của bọn lính gác, Jaster phóng như điên. Đến một khu rừng gần thị trấn Makow Podhalanski, cách trại Auschwitz khoảng 60km, xe có dấu hiệu hết xăng vì theo quy định, khi Berenda thử xe, xăng không được phép đổ đầy bình nên chúng tôi cho xe lùi vào một bụi rậm rồi chạy bộ”.

Xẩm tối, cả nhóm chập chờn ngủ dưới một gốc cây lớn. Mờ sáng, họ chôn giấu quân phục SS cùng tất cả súng đạn rồi thay vào đó là 4 bộ quần áo của tù nhân bị buộc phải cởi ra trước khi vào phòng hơi ngạt, do Piechowski và Jaster chuẩn bị từ trước. Tiếp theo, họ chia tay nhau, mỗi người đi một hướng vì theo Piechowski, cơ hội sống sót sẽ ít hơn nếu họ vẫn cùng đi chung với nhau.

Phòng hơi ngạt trong trại Auschwitz.
Phòng hơi ngạt trong trại Auschwitz.
Nhẫn vàng của tù nhân bị thu giữ sau khi họ bị đưa vào phòng hơi ngạt.
Nhẫn vàng của tù nhân bị thu giữ sau khi họ bị đưa vào phòng hơi ngạt.

3. Trải qua 6 tháng lẩn tránh, Piechowski đến được thành phố Tczew, quê hương ông. Tại đây, ông được biết là vài ngày sau khi ông trốn khỏi Auschwitz, lính Đức đã giết cha mẹ ông để trả thù. Bằng giấy tờ giả mạo, ông xin vào làm trong một trang trại gần đó, đồng thời tham gia một nhóm kháng chiến do trung úy Adam Kusz chỉ huy cho đến ngày Ba Lan được Hồng quân Liên Xô giải phóng.

Sau chiến tranh, Piechowski được trao tặng Huân chương Đại bàng Trắng. Năm 2006, ông được phong là Công dân danh dự của thành phố Tczew. Ông qua đời vào ngày 15-12-2017, ở tuổi 98. 

Với Bendera, ông trở lại Przedborz, sống với người vợ đã kết hôn từ năm 1930 bằng giấy tờ giả. Ông mất năm 1970. Riêng linh mục Jozef Lempart, sau khi thoát khỏi Auschwitz đã trốn vào một tu viện ở Stary Sącz, cách trại Auschwitz chỉ 155 km. Gia đình ông bị Đức Quốc xã giết sạch để trả thù. Ông qua đời năm 1971 vì bị xe buýt tông phải lúc băng qua một con đường ở Wadowice.

Người cuối cùng trong nhóm đào thoát là trung úy quân đội Ba Lan Stanisław Gustaw Jaster. Lúc còn ở trại Auschwitz, Jaster là một thành viên trong mạng lưới kháng chiến ngầm. Khi về đến vùng tự do, Jaster đã báo cáo với Bộ Tư lệnh quân kháng chiến Ba Lan tự do về những hoạt động của đội quân ngầm ở trại Auschwitz. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chống Đức cho đến ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Ba Lan…

Và cũng sẽ không thừa khi kể thêm 42 tù nhân ở Auschwitz, bị nghi ngờ là đã giúp nhóm Piechowski trốn trại. 6 tiếng kể từ khi 4 tù nhân biến mất trên chiếc xe hơi của thiếu tá SS Paul Kreuzmann, tất cả đều bị tử hình.

VŨ CAO
(Theo History)


Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài 1: Không trốn cũng chết

Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài cuối: Ve sầu thoát xác

.
.
.