.

LHQ kêu gọi thế giới tuyên chiến với nạn tham nhũng

Cập nhật: 17:04, 24/05/2018 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về phòng chống tham nhũng được thông qua, ngày 23-5, Tổng thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres đã hối thúc các quốc gia nỗ lực loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng, vấn nạn đe dọa các nước phát triển và đang phát triển.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Phát biểu tại cuộc thảo luận cấp cao của LHQ, TTK Guterres đã đề cao ý nghĩa của công ước, cho rằng văn kiện này công nhận tham nhũng là hành vi phạm tội nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh những quốc gia chưa nỗ lực triệt để trong cuộc chiến tham nhũng sẽ chịu tác động nhiều nhất từ thực trạng này khi nạn tham nhũng “bẻ gãy” sự phát triển kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cản trở đầu tư. Người đứng đầu tổ chức đa phương chỉ rõ xã hội không thể hoạt động công bằng và hiệu quả khi các quan chức, bác sĩ, cảnh sát đến chính trị gia, chỉ mưu đồ làm giàu cho bản thân hơn là thực thi nhiệm vụ của mình.

TTK Guterres hối thúc các quốc gia thành viên lấy Công ước LHQ phòng chống tham nhũng làm nền tảng để tập hợp sự ủng hộ của người dân và chính giới trong cuộc chiến chống nạn này. Theo ông, đây là công cụ sắc bén nhất mà cộng đồng quốc tế có được để cải thiện hoạt động của chính phủ, mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho đất nước. Ông kêu gọi giới lãnh đạo toàn cầu có lập trường đạo đức vững vàng và quán triệt văn hóa về sự liêm chính xuyên suốt các cấp. TTK Guterres chỉ rõ hành vi tham nhũng bòn rút ngân sách của các trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng và một số dịch vụ quan trọng khác. Tham nhũng cũng là một trong những căn nguyên dẫn tới các hành vi phạm pháp khác như buôn người, kinh doanh bất hợp pháp các nguồn tài nguyên, buôn vũ khí, ma túy...

Công ước LHQ về phòng chống tham nhũng được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 2003 với các nội dung về biện pháp phòng chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Đã có 184 nước phê chuẩn Công ước này.

Theo THX

 
.
.
.