Mỹ thông qua dự luật nới lỏng quy định giám sát nghiêm ngân hàng
Ngày 22-5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nới lỏng lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 về những quy định đối với các ngân hàng theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010.
Một chi nhánh của Ngân hàng Mỹ Bank of America ở New York City, Mỹ. |
Với 258 phiếu thuận và 159 phiếu chống, dự luật nói trên sẽ “giải thoát” hàng ngàn thể chế tài chính khỏi nhiều quy định ngặt nghèo của Đạo luật Dodd-Frank, đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính.
Trước đó, dự luật trên đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ ngày 14-3 vừa qua. Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện diễn ra 10 năm sau ngày Ngân hàng đầu tư Bear Stearns có trụ sở ở New York phá sản, sự kiện được xem là mốc khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính từng gây chao đảo nền kinh tế toàn cầu.
Đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ký vào năm 2010 nhằm thắt chặt giám sát đối với ngân hàng và công ty tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Mục đích chính của đạo luật Dodd-Frank là giảm rủi ro trong hệ thống tài chính bằng cách đề ra những luật lệ mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Những sản phẩm tài chính phức tạp này chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ 2007-2009. Đạo luật cũng được xem là nỗi ám ảnh của giới tài chính khi áp đặt những hạn chế cho vay lên các ngân hàng lớn.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ di sản này của cựu Tổng thống Obama. Ông Trump tuyên bố Chính phủ của ông sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng để những ai cần đều có thể vay tiền.
Hiện dự luật sửa đổi Đạo luật Dodd-Frank đang được trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành thành luật.
AFP