Bên trong làng đình chiến liên Triều
Một số công trình bên trong làng đình chiến Panmunjom đang được tu sửa, nâng cấp để phục vụ tốt nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều sắp diễn ra.
Một binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc (quay lưng) quan sát binh sĩ Triều Tiên đi về phía đường phân định ở Panmunjom. |
Làng đình chiến biên giới Panmunjom (Bàn Môn Điếm) đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim và ông Moon dự kiến gặp mặt tại Nhà Hòa bình, một địa điểm quen thuộc thường diễn ra các cuộc thảo luận liên Triều, nằm ở phía Nam làng đình chiến, bên trong Khu Phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền.
Làng Panmunjom cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 60km về phía Tây Bắc. Đây là nơi Hiệp định Đình chiến được ký kết sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc. Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi xung đột kết thúc nhờ một hiệp định ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình.
Các binh sĩ cảnh vệ Hàn Quốc và Triều Tiên hàng ngày vẫn đối diện nhau qua Khu vực An ninh chung (JSA), dải đất nhỏ thuộc Panmunjom nằm dưới sự giám sát của Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc. Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại làng Panmunjom. Hai cuộc gặp trước đây vào năm 2000 và 2007 diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi nước có 2 tòa nhà bên trong làng Panmunjom, gồm 1 nhà hội nghị và tòa nhà còn lại dùng làm văn phòng liên lạc kết nối qua biên giới.
Hàn Quốc đang cải tạo Nhà Hòa bình để đón tiếp phái đoàn Triều Tiên, tính đến cả việc nâng cấp hệ thống Internet cùng các chức năng khác. Cơ sở này là 1 tòa nhà hội nghị gồm 3 tầng, được xây dựng năm 1989 bên phía Nam JSA. Tòa nhà tương ứng ở phía Triều Tiên là Tongilgak, xây năm 1985, được dùng làm địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại liên Triều.
Hai miền Triều Tiên đã tổ chức hơn 650 cuộc đối thoại kể từ năm 1971 và 55% trong số đó diễn ra tại làng Panmunjom. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phái đoàn Triều Tiên sẽ mất không quá 3 tiếng để di chuyển từ Bình Nhưỡng tới làng Panmunjom. Chưa rõ ông Kim sẽ băng qua biên giới bằng cách nào nhưng 2 phương án đi bộ hoặc ngồi trên xe đều có khả năng xảy ra. Sau khi phương tiện chở ông Kim vượt qua cây cầu với tên gọi “Cầu 72 giờ” dẫn tới khu vực phía Bắc JSA, lãnh đạo Triều Tiên có thể đi bộ giữa 2 tòa nhà màu xanh T1 và T2 nằm trên đường biên giới thuộc JSA.
Một cách khác, ông Kim có thể chọn tiến sang biên giới bằng xe hơi và đỗ ngay trước Nhà Hòa bình ở phía Nam. Trước đấy, nó phải băng qua con đường gần tòa nhà Panmungak, nơi đặt văn phòng liên lạc của Triều Tiên.
Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đang vận hành một số đường dây nóng được lắp đặt tại văn phòng liên lạc của mỗi bên ở làng Panmunjom. Hai bên thống nhất thành lập văn phòng liên lạc từ tháng 5-1992. Hiện tại, 33 đường dây kết nối hai miền đã hình thành. Văn phòng liên lạc của Hàn Quốc và Triều Tiên lần lượt nằm trong 2 tòa nhà là Nhà Tự do và Panmungak. Chúng nằm đối diện nhau qua biên giới tại JSA.
Lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 1 trong thông điệp năm mới đã thông báo mở lại đường dây nóng sau 2 năm gián đoạn. Các quan chức liên lạc cho hay từ đó tới nay, họ luôn bận rộn với những cuộc thảo luận, đầu tiên là về việc Triều Tiên cử vận động viên tới dự Olympic mùa Đông ở Hàn Quốc hồi tháng 2 và giờ đây là về cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Moon cuối tháng 4.
Vào các ngày trong tuần, những kênh liên lạc ở làng Panmunjom mở từ 9h đến 16h. Cuối tuần, chúng có thể được mở nếu hai bên đồng ý kết nối. Theo quan chức từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, kể từ tháng 1, hầu hết các kênh liên lạc ở làng Panmunjom đều “không có thời gian đóng”. Những cuộc gọi hàng ngày thường kéo dài tới 19h. Gần đây, vào dịp cuối tuần, hai miền vẫn duy trì liên lạc.
VŨ HOÀNG