.

Tây Balkan: Sự khởi đầu mới của EU

Cập nhật: 18:44, 09/02/2018 (GMT+7)

Trang Euobserver đã đăng bài viết của tác giả Srdjan Cvijic, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Mở châu Âu, về khả năng các nước Tây Balkan gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Cờ EU được treo trên trụ đèn trước tòa nhà Nghị viện châu Âu ở London, Anh. Nguồn: Reuters
Cờ EU được treo trên trụ đèn trước tòa nhà Nghị viện châu Âu ở London, Anh. Nguồn: Reuters

Bài báo viết, sau khi thông qua Chiến lược Mở rộng ở Tây Balkan Ủy ban châu Âu cho biết, với việc Anh trở thành nước đầu tiên rời khỏi EU thì Serbia và Montenegro có thể gia nhập khối này vào năm 2025. Theo các quan chức EU, bốn nước khác trong khu vực - Albania, Bosnia và Herzegovina, CH Macedonia và Kosovo - có triển vọng rõ ràng để gia nhập EU vào thời điểm đó, tùy thuộc vào tốc độ cải cách và các cuộc đàm phán.

Bị phương Tây bỏ rơi từ lâu, khu vực Tây Balkan dễ dàng trở thành “miếng mồi ngon” đối với các cường quốc địa chính trị khác, vốn xem sự bất ổn là cơ hội của họ. Cam kết chính trị không rõ ràng của EU đối với tư cách thành viên tương lai của 6 nước Balkan đã khiến nhiều người trong khu vực thất vọng. Nhưng chiến lược mới của EU được cho là nhằm thay đổi xu hướng trên, thúc đẩy khu vực trở thành thành viên của EU và có sự chuyển đổi một cách sâu rộng.

Chiến lược trên cũng là sự thay đổi của EU sau một thập kỷ rơi vào các cuộc khủng hoảng tài chính, đối mặt với dòng người tị nạn lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới II, Brexit và việc sáp nhập Crimea vào Nga. Cáo buộc âm mưu đảo chính ở Montenegro, tình trạng bất ổn ở nghị viện Macedonia và Albania, căng thẳng giữa Serbia và Kosovo nhấn mạnh những nguy cơ bất ổn mới. Do đó, các quan chức ở Brussels đã tập trung giải quyết các vấn đề an ninh và tăng cường pháp quyền trong khu vực 18 triệu dân này.

Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất các biện pháp táo bạo, đặc biệt quan trọng là mở ra các quỹ EU đối với 6 nước khu vực Balkan trong quá trình hoạch định chính sách EU, ngay cả những nước này chưa là thành viên, xóa bỏ các rào cản hữu hình và vô hình đối với thương mại và du lịch.

Kế hoạch đến năm 2025 và việc ấn định những mốc thời gian đối với các mục tiêu khác để đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán, là đặc biệt có giá trị như một động lực mạnh mẽ cho các chính trị gia trong khu vực, để đáp ứng các tiêu chuẩn tư cách thành viên. Những ưu đãi của EU dành cho cải cách cần phải được kết hợp với các tiêu chuẩn rõ ràng đối với các chính phủ trong khu vực để họ thực hiện.

Các nước khu vực Tây Balkan cũng không nên coi việc trở thành thành viên EU là đích đến cuối cùng, mà là cơ hội để cải thiện quản trị mà trong đó người dân có thể sống trong một xã hội có trật tự, thịnh vượng và cởi mở.

Hiện vẫn còn nhiều thách thức lớn đối với bất kỳ nước nào trong 6 quốc gia thuộc khu vực Tây Balkan trên con đường gia nhập EU. Vấn đề tham nhũng và tội phạm có tổ chức là mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của khu vực Tây Balkan. Do đó, chiến lược mới của EU tập trung vào những vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn. Theo số liệu của Mạng lưới Báo cáo Tội phạm và Tham nhũng (KRIK) và Đài châu Âu Tự do, có hơn 100 tổ chức tội phạm liên quan đến giết người trên các đường phố của Serbia và Montenegro kể từ năm 2012.

Tham nhũng và tội phạm có tổ chức cũng lan tràn ở phần còn lại của khu vực này. Albania đang trải qua một cuộc cải cách tư pháp đầy tham vọng nhưng đây chỉ là sự khởi đầu và chiến lược trên của EU hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi cơ bản đối với các nước thực hiện khuôn khổ pháp lý của EU và tôn trọng các giá trị cơ bản của EU.

Quá trình đàm phán gia nhập EU cũng là cơ hội tốt để khu vực Balkan có sự chuyển đổi tất yếu trong một số lĩnh vực quan trọng như hòa giải, các vấn đề tranh chấp song phương và các quyền thiểu số khác. Như Ủy viên EU Johannes Hahn phát biểu: “Theo quan điểm của châu Âu, điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng ta xuất khẩu ổn định hay nhập khẩu sự bất ổn. Các quốc gia thành viên EU sẽ không bao giờ chấp nhận một quốc gia có những vấn đề hoặc mâu thuẫn chưa được giải quyết”.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu sẽ cần phải sử dụng các công cụ mới và hiệu quả của mình để đẩy mạnh những cải cách có ý nghĩa. Chủ tịch luân phiên tiếp theo của Ủy ban châu Âu năm 2019 nên bổ nhiệm một người đứng đầu phụ trách vấn đề gia nhập EU của các nước Tây Balkan. Cuối cùng, cần phải có các thoả thuận đặc biệt để đảm bảo rằng các quốc gia thành viên trong tương lai không ngăn cản việc gia nhập EU của các ứng cử viên thuộc khu vực Tây Balkan khác.

NGUYỄN CÔNG THUẬN
(P/v TTXVN tại Séc)

.
.
.